VIỆN KHOA HỌC ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ TỔ CHỨC HỘI THẢO TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAI ĐOẠN 2011 - 2021 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030. LĨNH VỰC ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ

Cập nhật: 18/05/2022

Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngày 17/5/2022 Viện khoa học Đo đạc và Bản đồ tiến hành tổ chức Hội thảo tổng kết 10 năm hoạt động Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực Đo đạc và bản đồ với chủ đề “Tổng kết hoạt động Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2021 và định hướng đến năm 2030. Lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ”

Tham dự Hội thảo có GS.TSKH Đặng Hùng Võ, Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; bà Vũ Thị Hằng - Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ cùng nhiều lãnh đạo, đại biểu đến từ Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Tổ chức cán bộ; Tổng cục Môi trường; Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Cục Đo đạc và Bản đồ Bộ Tổng tham mưu, Cục Viễn thám Quốc gia, Hội Trắc địa Bản đồ Viễn thám Việt Nam, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội...cùng nhiều các đơn vị trong và ngoài Bộ, các chuyên gia, các nhà khoa học và tập thể lãnh đạo, viên chức của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đều dự đông đủ. Đại diện cơ quan Báo chí, Cổng thông tin điện tử, Tạp chí ngành cũng tham gia để đưa tin. 

Đoàn chủ tịch

Hội thảo lần này là sự phối hợp chặt chẽ giữa 5 đơn vị: Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ; Cục Đo đạc Bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam; Cục Viễn thám Quốc gia, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam. Hội thảo là một hoạt động trong nhiều hoạt động của Bộ tiến tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (2002 - 2022), Tổng kết 10 năm hoạt động khoa học và công nghệ để đánh giá những thành quả của nhiều nhà khoa học, nhiều cá nhân, tập thể đã đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ, và cũng từ hội thảo này phát huy những kinh nghiệm, rút ra những bài học, nhằm định hướng cho những năm tiếp theo.

Toàn cảnh hội thảo

Nghiên cứu Khoa học và phát triển công nghệ của đo đạc và bản đồ nếu xét về công nghệ chuyên sâu chúng có 8 nhóm công nghệ chính như: công nghệ định vị vệ tinh, công nghệ đo cao, công nghệ trọng lực, công nghệ ảnh - viễn thám, công nghệ  bản đồ số - GIS, công nghệ đo sâu đáy nước, công nghệ Lidar, công nghệ Mobil Mapping. Nếu xét theo không gian chúng ta có công nghệ viễn thám, công nghệ hàng không, công nghệ mặt đất, công nghệ dưới biển, công nghệ dưới bề bề mặt đất, xét theo quy trình chúng ta có thể chia thành: công nghệ thu nhận dữ liệu, công nghệ xử lý dữ liệu, công nghệ lưu trữ và chia sẻ dữ liệu. Trong bất kỳ góc độ nào chúng ta đều thấy sự tích hợp lẫn nhau của các công nghệ trong một sản phẩm đo đạc và bản đồ, điều đó cho thấy sự phát triển đồng bộ của các công nghệ là rất quan trọng đối với lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Với mong muốn nhận được các ý kiến của các đ/c lãnh đạo quản lý của các đơn vị trong và ngoài Bộ về khả năng ứng dụng, mức độ ưu tiên, ý tưởng đặt hàng để nghiên cứu về lĩnh vực đo đạc và bản đồ có sự đầu tư nghiên cứu sâu hơn nữa, đặc biệt đối với những hướng nghiên cứu có thể tạo ra các sản phẩm khoa học mang thương hiệu của lĩnh vực.

 Đại biểu và khách mời tham gia Hội thảo

Trong 10 năm qua lĩnh vực Đo đạc và bản đồ đã tổ chức triển khai thực hiện 67 đề tài cấp Bộ, 3 đề tài cấp quốc gia, nhiều đề tài cấp cơ sở. Sự cống hiến cho nghiên cứu khoa học của lĩnh vực đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng nhiều bằng khen: Như cụm công trình về nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện mạng lưới trọng lực quốc gia đã được bình xét là 1 trong 10 sự kiện của ngành tài nguyên và môi trường năm 2014. Đặc biệt Năm 2021Công trình “Bộ sách KH kỹ thuật phục vụ đào tạo tiến sỹ ngành kỹ thuật đo đạc và bản đồ” của PGS.TSKH Hà Minh Hòa đã đạt giải A trong đợt xét giải thưởng khoa học và công nghệ ngành tài nguyên và môi trường lần thứ nhất và sau đó công trình của GS đã được vinh danh trong Sách VÀNG Việt Nam 2021. 

Giai đoạn 2011-2021, bên cạnh việc thực hiện tốt các đề tài nghiên cứu, còn phải kể đến sự phát triển của tiềm lực khoa học công nghệ, đó là việc đầu tư máy móc, thiết bị, phần mềm cho các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực, có những đơn vị mạnh dạn đầu tư những công nghệ mới hiện đại. Bởi có thiết bị mới, công nghệ mới chúng ta mới tổ chức nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ theo kịp với sự phát triển của thế giới. Nhiều thiết bị công nghệ hiện đang triển khai ở nước ta ở mức độ tiên tiến hiện đại như: Công nghệ mạng lưới trạm CORS do Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam quản lý, Công nghệ trọng lực tuyệt đối do Viện Đo Đạc và Bản đồ quản lý, Công nghệ Ảnh số và Lidar do tổng công ty Tài nguyên và Môi trường quản lý…Tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng như hiện nay, nếu chúng ta không có đầu tư thiết bị - công nghệ mới thì đây là một thách thức lớn đối với lĩnh vực của chúng Một nguồn tiềm lực quan trọng của khoa học và công nghệ đó là con người, trong bối cảnh hiện nay để có được hội ngũ cán bộ khoa học giỏi, tâm huyết, chúng phải tự đào tạo và tạo các cơ chế phù hợp cho phát triển, đánh giá cao định hướng xây dựng các “Nhóm nghiên cứu mạnh” thuộc các Viện đang được Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ TN&MT lấy ý kiến.

Trong giai đoạn tới 2021-2025 và 2026-2030, Bộ đã định hướng công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ với 6 khung Chương trình lớn, mỗi lĩnh vực đều có khả năng tham gia đầy đủ hoặc tham gia từng phần vào 6 chương trình này, với quan điểm phối hợp để nghiên cứu và cùng giải quyết các vấn đề lớn của ngành, lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ mong muốn được hợp tác nghiên cứu, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các đơn vị khác trong Bộ, đặc biệt là các Viện nghiên cứu để trong giai đoạn tới sẽ có nhiều đóng góp hơn. 

TS.Vũ Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ

Phát biểu tại Hội thảo TS.Vũ Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cũng nêu rõ: Để thực hiện thành công định hướng về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ đến năm 2030, cần đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị từ Trung ương đến địa phương, giữa Viện nghiên cứu với các Trường đại học trong nước và quốc tế để đẩy mạnh liên kết giữa nghiên cứu, đào tạo và các cơ sở sản xuất nhằm huy động tối đa tiềm lực trong nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Đồng thời, tiếp tục đánh giá trình độ công nghệ; xây dựng các đề án, dự án đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học về đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh, quốc phòng.

Hội thảo trình bày 4 báo cáo tham luận:

1. Báo cáo “Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ giai đoạn 2011-2021 và định hướng đến năm 2030”. TS. Nguyễn Đại Đồng - Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam

2. Báo cáo “Kết quả nghiên cứu phát triển công nghệ lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ giai đoạn 2011-2021, định hướng đến năm 2030”. TS. Nguyễn Thị Thanh Hương - Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ

3. Báo cáo “Vai trò của nghiên cứu khoa học trong đào tạo về lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ giai đoạn 2011-2021, tầm nhìn đến năm 2030” TS. Bùi Thị Hồng Thắm - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

4. Báo cáo “Ứng dụng khoa học công nghệ đo đạc bản đồ trong lĩnh vực điều tra cơ bản ngành Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011-2021” ThS. Nguyễn Thanh Thủy - Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ.

TS. Nguyễn Phi Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ

Phát biểu tại buổi lễ TS. Nguyễn Phi Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã nhấn mạnh: Với phương châm, khoa học công nghệ phải đi trước một bước, đầu tư cho khoa học là đầu tư cho tương lai, chúng tôi thiết nghĩ rằng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và Hội Trắc địa Bản đồ Viễn thám Việt Nam, tham dự hội thảo ngày hôm nay đều nhất trí với phương châm đó, đó là động lực để các nhà làm công tác đo đạc bản đồ có thể tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành đo đạc và bản đồ nước ta và mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của lãnh đạo quản lý của các đơn vị trong và ngoài Bộ về khả năng ứng dụng, mức độ ưu tiên, ý tưởng đặt hàng để nghiên cứu khoa học đo đạc bản đồ có sự đầu tư nghiên cứu sâu hơn nữa, đặc biệt, đối với những hướng nghiên cứu có thể tạo ra các sản phẩm khoa học mang ý nghĩa quan trọng cho ngành tài nguyên và môi trường nói riêng và cho đất nước nói chung.

Với sự trân trọng cao nhất, thay mặt ban tổ chức, thay mặt Viện khoa học Đo đạc và Bản đồ TS. Nguyễn Phi Sơn gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị quản lý nhà nước, các cơ quan, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cá nhân đã viết bài, đưa ra những ý kiến rất bổ ích, tham vấn để hội thảo được diễn ra thành công tốt đẹp.

Các Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

GS.TSKH Đặng Hùng Võ phát biểu tại Hội thảo

TS. Nguyễn Đại Đồng trình bày báo cáo tại Hội thảo

 

                            (Phòng Khoa học, ĐT, HTQT &TC)