KHUNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN ĐỂ PHÁT TRIỂN VÀ ĐẨY MẠNH QUẢN LÝ NGUỒN TÀI NGUYÊN THÔNG TIN DỮ LIỆU KHÔNG GIAN ĐỊA LÝ TÍCH HỢP

Cập nhật: 06/10/2023

Tóm tắt. Báo cáo này giới thiệu tổng quan về Khung kế hoạch hành động thực hiện để phát triển và đẩy mạnh quản lý nguồn tài nguyên thông tin dữ liệu không gian địa lý tích hợp do tổ chức UN - GGIM của Liên hợp quốc (United Nations - Global Geospatial Information Management) nghiên cứu đề xuất. Nhằm mục đích cung cấp tài liệu cơ sở và hướng dẫn, tham khảo để xây dựng kế hoạch hành động cấp quốc gia cho các nước có mức thu nhập thấp đến trung bình và các nước đang phát triển. Khung kế hoạch hành động được thực hiện dựa trên bảy (7) nguyên tắc cơ bản, đưa ra tám (8) mục tiêu và chín (9) đường lối chiến lược các lộ trình thực hiện để các quốc gia thiết lập thực tiễn và xây dựng chính sách quản lý thông tin dữ liệu không gian địa lý quốc gia phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của từng quốc gia. Từ khóa: khung kế hoạch hành động, NSDI, thông tin dữ liệu không gian.

1. Đặt vấn đề

Thông tin dữ liệu không gian địa lý tích hợp chính là “tiền kỹ thuật số” của quốc gia [1]. Năm 2013, theo các nghiên cứu người ta đã ước tính rằng giá trị kinh tế toàn cầu của dịch vụ thông tin dữ liệu không gian địa lý chiếm khoảng 0,2% GDP toàn cầu [2]. Thông tin dữ liệu không gian địa lý tích hợp là một thành phần quan trọng của cơ sở hạ tầng dữ liệu quốc gia và nền kinh tế tri thức, là phương tiện để tích hợp và tận dụng nhiều loại hình dịch vụ của chính phủ, doanh nghiệp, cung cấp nền tảng tích hợp và là "chất kết dính" cho tất cả dữ liệu dạng số có hoặc có thể không có tọa độ vị trí, kích thước xác định [1]. Tất cả các quốc gia và tất cả các lĩnh vực đều cần thông tin dữ liệu không gian địa lý và với sự hỗ trợ công nghệ để đưa ra quyết định về các chính sách quốc gia, các ưu tiên chiến lược và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 [7], góp phần vào tăng trưởng kinh tế, an ninh quốc phòng, xã hội phát triển, môi trường bền vững và thịnh vượng quốc gia.

Tuy nhiên, hiện tại nhiều quốc gia tiếp tục phải đối mặt với một loạt trở ngại làm trầm trọng thêm khả năng và cơ hội để tham gia đầy đủ vào sự thay đổi mang tính chuyển đổi số bởi khả năng hạn chế về thông tin dữ liệu không gian địa lý. Trong khi đó, sự thay đổi này là thực sự cần thiết để hỗ trợ sự phát triển quốc gia, nền kinh tế thịnh vượng và thông qua đó là một nền kinh tế toàn cầu và kinh tế thông tin dữ liệu số. Hiện tại, nhiều quốc gia vẫn phải cần thu hẹp khoảng cách về công nghệ, kỹ thuật số đối với thông tin dữ liệu không gian địa lý. Việc thu hẹp này đòi hỏi phải xây dựng năng lực cho con người, thiết lập mô hình quản trị và triển khai dữ liệu, công nghệ và quy trình để duy trì khả năng về thông tin dữ liệu không gian địa lý của quốc gia. Điều này chỉ đạt được khi thông qua việc triển khai một Khung kế hoạch hành động thực hiện về thông tin dữ liệu không gian địa lý tích hợp phù hợp với các chiến lược và sắp xếp quốc gia để nó có thể được đưa vào các ưu tiên phát triển đất nước.

Liên Hợp Quốc đã thành lập tổ chức UN - GGIM chuyên về quản lý thông tin không gian địa lý toàn cầu. UNGGIM đã tiến hành nghiên cứu và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn xây dựng, quản lý thông tin dữ liệu không gian địa lý của một số quốc gia phát triển để đề xuất Khung kế hoạch hành động thực hiện để phát triển và đẩy mạnh quản lý nguồn tài nguyên thông tin dữ liệu không gian địa lý tích hợp (sau đây gọi tắt là Khung kế hoạch hành động). Mục tiêu khung kế hoạch hành động là: 

 - Cung cấp tài liệu cơ sở hướng dẫn, tham khảo cho các kế hoạch hành động cấp quốc gia, để vận hành và đảm bảo tính bền vững của cơ sở hạ tầng thông tin dữ liệu không gian địa lý quốc gia. 

 - Nhắm mục tiêu cụ thể vào các quốc gia có mức thu nhập thấp, trung bình và các nước đang phát triển. 

 - Có thể áp dụng cho cấp quốc gia và cấp địa phương.

Khung kế hoạch hành động cung cấp cơ sở và hướng dẫn để phát triển, tích hợp, củng cố và tối đa hóa quản lý thông tin dữ liệu không gian địa lý và các nguồn lực liên quan ở tất cả các quốc gia. Nó sẽ hỗ trợ các quốc gia tìm kiếm các giải pháp để phát triển kinh tế, xã hội và môi trường bền vững, để tác động đến sự thay đổi xã hội toàn diện và mang tính chuyển đổi số đối với mọi công dân, doanh nghiệp theo các ưu tiên và hoàn cảnh của quốc gia và để không ai bị bỏ lại phía sau [1].

Để đáp ứng “lời kêu gọi hành động” này, các Quốc gia thành viên cần phát triển, củng cố và hiện đại hóa các cách tiếp cận để quản lý thông tin dữ liệu không gian địa lý, bao gồm các khía cạnh liên quan như: chính sách và tài liệu pháp lý, quản trị, tích hợp dữ liệu và cơ sở hạ tầng, giáo dục, đổi mới, người sử dụng và hợp tác. 

2. Khung kế hoạch hành động thực hiện để phát triển và đẩy mạnh quản lý nguồn tài nguyên Thông tin dữ liệu không gian địa lý tích hợp

Khung kế hoạch hành động cung cấp hướng dẫn chiến lược cho phép chuẩn bị và thực hiện các kế hoạch hành động cụ thể của từng quốc gia. Lợi ích trực tiếp đem lại sẽ bao gồm các cách tiếp cận đổi mới và sáng tạo đối với việc quản lý thông tin dữ liệu không gian địa lý quốc gia, thực hiện các giải pháp tích hợp ra quyết định dựa trên bằng chứng khoa học và tối đa hóa, tận dụng hệ thống thông tin được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và hoàn cảnh của từng quốc gia.

Khung kế hoạch hành động nhằm hỗ trợ các quốc gia tiến tới nền kinh tế số, xã hội số, dịch vụ số và thương mại số để cải thiện các dịch vụ cho người dân, nâng cao năng lực để sử dụng công nghệ thông tin không gian địa lý, tăng cường các quá trình ra quyết định của các cơ quan, chính phủ… tạo điều kiện thúc đẩy cho sự phát triển của khu vực tư nhân, đưa ra các hành động cụ thể để đạt được việc chuyển đổi số và kết nối thông tin không gian địa lý số được thực hiện trong các chiến lược ưu tiên quốc gia và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Khung kế hoạch hành động được thực hiện bằng cách sử dụng bảy (7) nguyên tắc cơ bản, đưa ra tám (8) mục tiêu và chín (9) đường lối chiến lược các lộ trình thực hiện như một phương tiện để các chính phủ thiết lập thực tiễn và xây dựng chính sách quản lý thông tin dữ liệu không gian địa lý quốc gia.

2.1. Bảy nguyên tắc nền tảng

Bảy nguyên tắc là đặc điểm chính và giá trị cung cấp sự định hướng để thực hiện Khung kế hoạch hành động và cho phép các phương pháp được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của từng quốc gia trong các giai đoạn. Những nguyên tắc này đại diện cho các đặc điểm cốt lõi và giá trị được sử dụng làm hướng dẫn khi triển khai khung kế hoạch hành động. Bảy nguyên tắc và giá trị của nó làm nền tảng cho Khung kế hoạch hành động là:

Nguyên tắc 1. Sự hỗ trợ chiến lược

Yêu cầu phải có sự hỗ trợ về mặt chính trị và tài chính cho việc thực hiện khung kế hoạch hành động, do đó khung kế hoạch hành động phải có sự hỗ trợ của chính phủ và phù hợp với định hướng chiến lược về các vấn đề như tăng trưởng kinh tế, phúc lợi xã hội, tạo việc làm, giám sát quản lý và bảo quản tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phục vụ các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh. 

Nguyên tắc 2. Minh bạch và có trách nhiệm

Nguồn tài nguyên thông tin dữ không gian địa lý quốc gia được quản lý, phát triển và chia sẻ với các nguyên tắc chính về tính minh bạch và có trách nhiệm để các cơ quan chính phủ, khu vực công và khu vực tư nhân và mọi công dân có quyền truy cập vào nền tảng và sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia có giá trị này.

Nguyên tắc 3. Đáng tin cậy, dễ sử dụng và dễ dàng tiếp cận 

Nguồn tài nguyên thông tin dữ liệu không gian địa lý quốc gia phải là những thông tin, dữ liệu đáng tin cậy và được cung cấp rộng rãi và có thể truy cập được để từ đó có thể được sử dụng để nghiên cứu và phát triển, được sử dụng để kích thích đổi mới sáng tạo và hỗ trợ tạo ra các dịch vụ và sản phẩm bền vững để thúc đẩy phát triển xã hội, kinh tế và môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Nguyên tắc 4. Phối hợp và hợp tác

Sự phối hợp và hợp tác (giữa các bên: chính phủ, doanh nghiệp, nhà khoa học, xã hội dân sự và các nhà tài trợ…) phải được đưa vào quá trình thực hiện của Khung kế hoạch hành động để tăng cường chia sẻ thông tin giữa các nhà cung cấp và người dùng, giảm thiểu sự trùng lặp, chồng chéo trong khu vực chính phủ, tạo ra một hệ thống mạnh mẽ, cũng như cung cấp sự rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan.

Nguyên tắc 5. Giải pháp tích hợp

Việc thực hiện khung kế hoạch hành động phải có tính chất tích hợp và xem xét cách thức dựa trên các yếu tố về con người, tổ chức bộ máy, hệ thống, luật pháp và chính sách các cấu trúc làm việc cùng nhau để tạo thành một hệ thống hiệu quả để quản lý và sử dụng thông tin dữ liệu không gian địa lý.

Nguyên tắc 6. Bền vững và có giá trị

Việc thực hiện Khung kế hoạch hành động sẽ được tiến hành theo cách để nâng cao hiệu quả và năng suất quốc gia, bền vững trong dài hạn và được triển khai theo cách thức cung cấp giá trị nền tảng cho chính phủ để cải tiến các dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Nguyên tắc 7. Lãnh đạo và cam kết

Việc triển khai Khung kế hoạch hành động sẽ phải theo yêu cầu, dưới sự chỉ đạo và cam kết của lãnh đạo, thường ở cấp cao nhất, để nâng cao giá trị dài hạn của các khoản đầu tư vào hạ tầng thông tin dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Việc này sẽ đạt được thông qua quá trình phân tích cẩn thận, sắp xếp các thứ tự ưu tiên và phát triển một kế hoạch hành động với các biện pháp can thiệp trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn được áp dụng và điều này phải nhận được sự cam kết của các cấp lãnh đạo và sự hỗ trợ của chính phủ.

2.2. Tám Mục tiêu

Để đạt được tầm nhìn bao quát, Khung kế hoạch hành động phải xác định theo tám mục tiêu. Thành tựu tiến bộ của những mục tiêu này sẽ đưa các quốc gia hướng tới trong tương lai có năng lực và kỹ năng tổ chức, quản lý, sắp xếp và tận dụng thông tin dữ liệu không gian địa lý để nâng cao năng lực ra quyết định và chính sách của chính phủ; thu hẹp khoảng cách về công nghệ, kỹ thuật số trong thông tin dữ liệu không gian địa lý; ảnh hưởng toàn diện và thay đổi xã hội; đạt được nền kinh tế thịnh vượng và phát triển xã hội; và đảm bảo sự quản lý môi trường hiệu quả. Tám mục tiêu đó là:

Mục tiêu 1. Quản lý thông tin không gian địa lý hiệu quả

Cho phép quản lý thông tin không gian địa lý, chính sách và thể chế, các sắp xếp đảm bảo quản lý thông tin không gian địa lý hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu và sắp xếp của tổ chức cá nhân và phù hợp với các khuôn khổ chính sách quốc gia và toàn cầu.

 

Mục tiêu 2. Nâng cao năng lực, chuyển giao khả năng và kiến ​​thức

Các cơ chế được thiết lập để nâng cao nhận thức về giá trị và việc sử dụng thông tin dữ liệu không gian địa lý quốc gia, thúc đẩy năng lực, khả năng và xây dựng tư duy sáng tạo và đổi mới trong chính phủ, các bộ ngành, học viện, khu vực công và tư nhân.

Mục tiêu 3. Hệ thống thông tin dữ liệu không gian địa lý tích hợp và Dịch vụ 

Thông tin dữ liệu không gian địa lý, bao gồm cả thông tin cộng đồng được tích hợp trong khu vực chính phủ và tối đa hóa cho các chính sách khi dựa trên các minh chứng và ra quyết định.

Mục tiêu 4. Lợi ích kinh tế đem lại trên sự đầu tư 

Lợi ích kinh tế đem lại trên sự đầu tư phải được thực hiện thông qua quản lý thực tiễn tốt nhất, khai thác và sử dụng sáng tạo thông tin dữ liệu không gian địa lý tích hợp.

Mục tiêu 5. Giáo dục bền vững và chương trình đào tạo

Các chương trình giáo dục và đào tạo được thiết lập để tăng số lượng các chuyên gia trong lĩnh vực thông tin không gian địa lý, khoa học dữ liệu và công nghệ thông tin về không gian địa lý và phát triển các kỹ năng chuyên môn liên quan đến hệ thống tài chính, chính sách, luật pháp và quản lý dự án về thông tin dữ liệu không gian địa lý.

Mục tiêu 6. Thúc đẩy hợp tác và đối tác Quốc tế

Hợp tác quốc tế và quan hệ đối tác được tận dụng theo cách thúc đẩy việc quản lý và trao đổi thông tin dữ liệu không gian địa lý trong sự hỗ trợ lợi ích phát triển quốc gia.

Mục tiêu 7. Tăng cường cam kết Quốc gia và kết nối 

Tất cả các nhóm, bên liên quan và cụ thể là những người ra quyết định cấp cao và người đứng đầu, cần phải tham gia đầy đủ vào các giá trị của thông tin dữ liệu không gian địa lý tích hợp phục vụ quá trình ra quyết định và phát triển kinh tế xã hội.

Mục tiêu 8. Giá trị và lợi ích xã hội phong phú

Phát triển kinh tế, xã hội và môi trường bền vững và phong phú thông qua việc tăng mức độ sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thông tin dữ liệu không gian địa lý tích hợp.

2.3. Chín đường lối chiến lược 

Khung kế hoạch hành động được định hướng bởi chín đường lối chiến lược trong ba lĩnh vực ảnh hưởng chính là: quản trị; công nghệ; và con người. Mục tiêu của những đường lối chiến lược này là hướng dẫn chính phủ hướng tới triển khai hệ thống thông tin không gian địa lý tích hợp theo cách đưa ra một tầm nhìn về phát triển xã hội, kinh tế và môi trường bền vững. Mỗi đường lối chiến lược được tăng cường bởi các mục tiêu cụ thể để hỗ trợ quốc gia đạt được các kết quả cần thiết. Hình 1 minh họa chín đường lối chiến lược được bao quanh bởi những lợi ích có thể đạt được khi thực hiện cùng nhau.

Đường lối chiến lược 1. Quản trị và Thể chế

Đường lối chiến lược này gồm bốn thành tố cơ bản sau: mô hình quản trị; khả năng lãnh đạo; cơ cấu thể chế; đề xuất giá trị. 

Mục tiêu đường lối chiến lược này là đạt được sự tán thành về chính trị, củng cố các nhiệm vụ thể chế và xây dựng môi trường chia sẻ dữ liệu, hợp tác thông qua sự hiểu biết chung về giá trị của khung thông tin dữ liệu không gian địa lý tích hợp, vai trò và trách nhiệm để đạt được tầm nhìn.

Hình 1. Khung kế hoạch hành động được định hướng bởi chín đường lối chiến lược và ba lĩnh vực ảnh hưởng chính

Đường lối chiến lược 2. Pháp lý và Chính sách

Đường lối chiến lược này bao gồm bốn thành tố cơ bản được kết hợp với nhau: pháp luật; định mức, chính sách và hướng dẫn; thực hiện và trách nhiệm giải trình; bảo vệ dữ liệu và cấp phép. 

Mục tiêu là giải quyết các vấn đề pháp lý và chính sách hiện tại bằng cách cải thiện luật pháp và chính sách liên quan và có tác động đến quản lý thông tin không gian địa lý tích hợp; và bằng cách chủ động giám sát môi trường pháp lý và chính sách, đặc biệt liên quan đến việc chỉ định trách nhiệm chính thức cho việc sản xuất dữ liệu và liên quan đến các vấn đề về công nghệ và việc sử dụng đổi mới và sáng tạo đang ngày càng phát triển đối với thông tin dữ liệu không gian địa lý.

Đường lối chiến lược 3. Tài chính

Đường lối chiến lược này bao gồm bốn thành tố cơ bản: mô hình kinh doanh; quan hệ đối tác và cơ hội; đầu tư; nhận được lợi ích. 

Mục tiêu là đạt được sự hiểu rõ về chi phí thực hiện cần thiết và cam kết tài chính liên tục để cung cấp cho việc xây dựng, quản lý thông tin dữ liệu không gian địa lý tích hợp có thể bền vững và duy trì lâu dài.

 

Đường lối chiến lược 4. Dữ liệu

Đường lối chiến lược này bao gồm bốn thành tố cơ bản: các chủ đề dữ liệu cơ bản; giám sát, thu thập và quản lý; liên kết giữa các chuỗi cung ứng dữ liệu; quản lý và phân phối dữ liệu. 

Mục tiêu là cho phép cơ quan quản lý dữ liệu đáp ứng dữ liệu của họ quản lý, chia sẻ và tái sử dụng các nghĩa vụ đối với chính phủ và cộng đồng người dùng thông qua việc thực hiện các chuỗi cung ứng dữ liệu được xác định rõ ràng để tổ chức, lập kế hoạch, thu thập, tích hợp, quản lý, duy trì, quản lý, xuất bản và lưu trữ thông tin dữ liệu không gian địa lý.

Đường lối chiến lược 5. Sự đổi mới

Đường lối chiến lược này bao gồm bốn thành tố cơ bản: tiến bộ công nghệ; cải tiến quy trình; thúc đẩy đổi mới và sáng tạo; thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số. 

Mục tiêu là kích thích việc sử dụng các công nghệ mới nhất, tiết kiệm chi phí, luôn cải tiến quy trình và đổi mới để chính phủ có thể đi tắt đón đầu và thành công đối với công nghệ tiên tiến nhất về hệ thống và thông lệ quản lý thông tin dữ liệu không gian địa lý.

Đường lối chiến lược 6. Tiêu chuẩn

Đường lối chiến lược này bao gồm bốn thành tố cơ bản được kết hợp với nhau: khả năng tương tác pháp lý; khả năng tương tác dữ liệu; khả năng tương tác ngữ nghĩa; khả năng tương tác kỹ thuật.

Mục tiêu là cho phép các hệ thống thông tin khác nhau có thể giao tiếp và trao đổi dữ liệu, cung cấp kiến ​​thức khám phá và tham khảo giữa các hệ thống sử dụng có ý nghĩa, rõ ràng và cung cấp cho người dùng quyền truy cập hợp pháp và sử dụng lại nguồn thông tin dữ liệu không gian địa lý.

Đường lối chiến lược 7. Quan hệ, đối tác

Đường lối chiến lược này bao gồm bốn thành tố cơ bản: hợp tác liên ngành và đa ngành; các quan hệ đối tác và liên doanh trong ngành; sự tham gia của cộng đồng; hợp tác quốc tế.

Mục tiêu là tạo ra và duy trì giá trị của thông tin dữ liệu không gian địa lý thông qua một nền văn hóa dựa trên quan hệ đối tác đáng tin cậy và các liên minh chiến lược thừa nhận các nhu cầu nguyện vọng chung và các ưu tiên quốc gia.

Đường lối chiến lược 8. Năng lực và Giáo dục đào tạo

Đường lối chiến lược này gồm bốn thành tố cơ bản sau: nâng cao nhận thức; giáo dục đào tạo chính quy; tinh thần kinh doanh; đào tạo tập huấn vị trí công việc chuyên nghiệp. 

Mục tiêu là nâng cao nhận thức và mức độ hiểu biết về khoa học thông tin dữ liệu không gian địa lý. Điều này bao gồm phát triển và củng cố các kỹ năng, khả năng, quy trình và nguồn lực mà tổ chức và cộng đồng yêu cầu sử dụng thông tin dữ liệu không gian địa lý để đưa ra quyết định.

 

 

Đường lối chiến lược 9. Kết nối và gắn kết

Đường lối chiến lược này bao gồm bốn thành tố cơ bản: nhận dạng các bên liên quan; các chiến lược gắn kết tích hợp; lập kế hoạch và thực hiện; giám sát và đánh giá. 

Mục tiêu là cung cấp hiệu quả và quy trình kết nối và gắn kết hiệu quả để khuyến khích đầu vào nhiều hơn từ các bên liên quan để đạt được sự minh bạch quy trình ra quyết định khi thực hiện Khung thông tin dữ liệu không gian địa lý tích hợp.

3. Đánh giá hiện trạng phát triển NSDI tại Việt Nam của WB và FAO theo khung kế hoạch hành động

Luật Đo đạc và bản đồ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Đây cũng là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên do Quốc hội ban hành quy định về các vấn đề liên quan đến NSDI, làm cơ sở pháp lý để thống nhất quản lý nhà nước về NSDI trong phạm vi cả nước, thúc đẩy NSDI phát triển với những mục tiêu cơ bản như sau: xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia làm nền tảng quan trọng và cơ bản, cung cấp dịch vụ thông tin dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; phục vụ các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh; đáp ứng yêu cầu về dữ liệu không gian địa lý của toàn xã hội; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực và thế giới [5].

Đối với Việt Nam là một nước có mức thu nhập trung bình thấp, trong hội thảo về NSDI Việt Nam [8,9] tại Cục Đo đạc, Bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã phối hợp nghiên cứu, đánh giá hiện trạng theo các tiêu chí phát triển NSDI tại Việt Nam như Hình 2. Đồng thời WB và FAO đã khuyến nghị các bước cơ bản cần thực hiện tiếp theo cho NSDI tại Việt Nam như sau:

 - Quản trị: thiết lập cơ chế điều phối 

 - Chính sách và Chiến lược: xây dựng, phát triển chiến lược NSDI, kết nối NSDI với các chính sách ưu tiên của Chính phủ 

 - Chia sẻ dữ liệu: xây dựng tiêu chuẩn, siêu dữ liệu, thỏa thuận chia sẻ dữ liệu, cấp phép, giá cả… 

 - Khả năng truy cập: thiết lập cổng thông tin về NSDI, có thể tương tác với cổng Chính phủ điện tử 

 - Phân tích kinh tế - xã hội: giúp để thiết lập các ưu tiên đầu tư 

 - Phát triển năng lực: bao gồm các trường đại học, khu vực tư nhân, các bộ, ngành, thành phố, tỉnh. 

 - Các tập (gói) dữ liệu: sử dụng công nghệ mới để giảm chi phí và giảm thời gian cần thiết. 

 - Sử dụng NSDI: chỉ ra các trường hợp và hoàn thành nhanh chóng, thiết kế lại quy trình kinh doanh để hưởng lợi từ hệ thống và khả năng tương tác dữ liệu

Hình 2. Đánh giá hiện trạng phát triển NSDI tại Việt Nam của WB và FAO [6]

Trên cơ sở hiện trạng NSDI và nguồn nhân lực hiện có cần nghiên cứu, xem xét, cân nhắc thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện lộ trình xây dựng các thành phần hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia để thống nhất (đồng bộ) với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 nhằm tránh trùng lặp, dư thừa và dữ liệu không nhất quán giữa Trung ương, các bộ, ngành và địa phương [7].

4. Kết luận 

Khung kế hoạch hành động của UN - GGIM đã được hình thành và phát triển như một hướng dẫn tham khảo cho sự phát triển và tăng cường trong quản lý thông tin dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Nó đã được thiết kế đặc biệt cho các nước thu nhập thấp đến trung bình và các nước đang phát triển.

Khung kế hoạch hành động mang tính chất bao quát bằng cách sử dụng bảy nguyên tắc cơ bản, đưa ra tám mục tiêu và dựa trên chín đường lối chiến lược để hỗ trợ các chính phủ hành trình triển khai thực tiễn, quản lý thông tin dữ liệu không gian địa lý tích hợp lý và đưa Khung kế hoạch hành động lồng ghép vào các kế hoạch và chiến lược phát triển quốc gia. Nó sẽ được sử dụng như một công cụ tương tác để mang lại sự phối hợp, cộng tác và gắn kết trong chính phủ khi hướng tới sự tăng cường trong quản lý thông tin dữ liệu không gian địa lý quốc gia. 

Đường lối chiến lược về pháp lý, chính sách và tiêu chuẩn là đặc biệt quan trọng cần được ưu tiên thực hiện trước vì chúng tác động đến nhiều đường lối khác. Đây được coi là nơi cung cấp các chế tài, công cụ mang tính ràng buộc pháp lý. Đường lối chiến lược này giải quyết một loạt các vấn đề ảnh hưởng đến việc thu thập, sử dụng, lưu trữ và phân phối thông tin dữ liệu không gian địa lý.

Đối với Việt Nam, để thực hiện và đạt được những mục tiêu cơ bản nêu trong Luật Đo đạc và bản đồ [5], căn cứ vào đánh giá và khuyến nghị các bước cần thực hiện của WB và FAO, đặc biệt căn cứ vào Khung kế hoạch hành động của UN - GGIM, Việt Nam cần thiết phải nghiên cứu xây dựng và triển khai Khung kế hoạch hành động cấp quốc gia của riêng mình phù hợp với các chính sách pháp luật phát triển NSDI, phù hợp với hiện trạng NSDI và nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay. Đặc biệt cần ưu tiên thực hiện sớm đường lối chiến lược về pháp lý, chính sách và tiêu chuẩn cho NSDI.

         Nguyễn Hải Ninh1, Philippe Vernant2, Lương Ngọc Dũng3,Trần Đình Trọng3, Nguyễn Chiến Thắng4, Lê Văn Tình5

1Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, 2Trường Đại học Montpellier, Cộng hòa Pháp, 3Trường Đại học Xây dựng, 4Viện Vật lý địa cầu, 5Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

“Nguồn: Tuyển tập Nghiên cứu ứng dụng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia: Vai trò của công nghệ đo đạc bản đồ hiện đại”