LỄ QUỐC TANG TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Cập nhật: 25/07/2024

Trước giờ viếng, các tuyến phố quanh nhà tang lễ được rào chắn, cấm xe qua lại. Lực lượng bảo vệ an ninh chia làm nhiều vòng túc trực bên trong và bên ngoài nhà tang lễ.

7h57:

Đoàn Ấn Độ do Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval dẫn đầu viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều tối qua, Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ tỏ xúc động khi được đại điện Chính phủ Ấn Độ sang dự lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Ajit Doval nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo uyên bác được nhân dân quốc tế, trong đó có nhân dân Ấn Độ kính trọng, đồng thời bày tỏ trân trọng đối với những đóng góp quan trọng của Tổng Bí thư đối với việc tăng cường quan hệ Việt Nam và Ấn Độ trên nhiều cương vị khác nhau.

7h55:

Đoàn Australia do Chủ tịch Thượng viện Sue Lines dẫn đầu viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Qua nhiều năm công tác trên các cương vị khác nhau, Tổng Bí thư đã nhận được sự kính trọng, yêu quý của bạn bè quốc tế, trong đó có các nhà lãnh đạo và nhân dân Australia.

Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Australia và mới đây là cuộc gặp với Thủ tướng Anthony Albanese, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định sự coi trọng, ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Australia phát triển mạnh mẽ, thực chất, toàn diện hơn nữa.

Trong thư chia buồn gửi lãnh đạo Việt Nam, lãnh đạo Australia gồm Toàn quyền Sam Mostyn, Chủ tịch Thượng viện Sue Lines và Chủ tịch Hạ viện Milton Dick đánh giá cao tình cảm và sự chân thành mà Tổng Bí thư đã dành cho quan hệ hai nước Việt Nam - Australia đặc biệt trong việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Lãnh đạo Australia nhấn mạnh những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hoà bình và thịnh vượng sẽ luôn được cộng đồng quốc tế khắc ghi.

Australia sẽ tiếp tục coi trọng vun đắp “niềm tin chiến lược” trong quan hệ hai nước như nguyện vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

7h49:

Đoàn Hàn Quốc do Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo dẫn đầu đoàn vào viếng.

Trong nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có bước phát triển mạnh mẽ với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào cuối năm 2022

Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc nêu rõ, xét đến mối quan hệ hữu nghị và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam - quốc gia "Đối tác chiến lược toàn diện" với Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định cử phái đoàn do Thủ tướng Han Duck-soo dẫn đầu trực tiếp tới Hà Nội chia buồn.

Trước đó trong bức điện gửi Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định, những thành tựu và tâm nguyện của Tổng Bí thư vì sự phát triển rực rỡ của đất nước Việt Nam và nhằm làm sâu sắc quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ còn mãi trong tâm trí của nhân dân hai nước.

7h48:

Đoàn Indonesia do Bộ trưởng Nông nghiệp Amran Sulaiman làm trưởng đoàn vào viếng.

Quan hệ Việt Nam-Indonesia dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát triển tốt đẹp. Tổng Bí thư đã từng thăm Indonesia vào năm 2017; Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thăm Việt Nam nhiều lần.

7h43:

Đoàn Cuba do Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez làm trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những người nhiệt thành thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt anh em và tin cậy lẫn nhau giữa Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Cuba và Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 5 lần thăm Cuba.

Cuba đã để tang chính thức tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 6h ngày 20/7 (giờ địa phương) tới 24h ngày 21/7, trong khi nghi thức quốc tang diễn ra cả ngày 22/7.

Quốc hội Cuba cũng đã dành một phút mặc niệm trong phiên họp thường kỳ để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong thư, điện chia buồn, Đại tướng Raul Castro Ruz và Bí thư thứ nhất, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel bày tỏ, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một mất mát không thể bù đắp đối với Cuba. Cuba sẽ luôn tưởng nhớ tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một người anh em vĩ đại, một người thúc đẩy không biết mệt mỏi mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Quốc hội, hai Chính phủ và nhân dân hai nước.

"Người bạn thân yêu Nguyễn Phú Trọng sẽ được các thế hệ người dân Cuba nhớ tới như một trụ cột trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài giữa hai nước chúng ta và như một người anh em vĩ đại, luôn sẵn sàng dang cánh tay đoàn kết với Cuba trong những hoàn cảnh thách thức phức tạp nhất".

7h38:

Đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến làm trưởng đoàn vào viếng.

Quá trình vào viếng, nhiều thành viên trong các đoàn tay chắp trước ngực hoặc đặt tay lên linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

7h33:

Đoàn Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn viếng Tổng Bí thư. Tham gia đoàn có các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ; các Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Trong bài viết “Thực hiện ý nguyện của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và sự kỳ vọng của nhân dân" , Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là người “cầm lái”, vừa là người “đốt lò”, “đứng mũi chịu sào”, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng dân, trong hoạt động của cả hệ thống chính trị, đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta “vừa xây, vừa chống” đưa đất nước ta vươn lên, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Quốc hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong những nhiệm kỳ gần đây đã có những bước đi đúng hướng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy mạnh mẽ tính dân chủ, pháp quyền, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, luôn bám sát mọi diễn biến của thực tiễn, cùng hệ thống chính trị đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Vòng hoa của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước. Ảnh: Chí Hùng

7h28:

Đoàn Chủ tịch nước do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm làm trưởng đoàn vào viếng, đi cùng còn có các nguyên Chủ tịch nước: Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, các nguyên Phó Chủ tịch nước. Ngoài ra còn có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước.

Trong bài viết bài viết: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà Lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân", Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.

Xuyên suốt trong tư tưởng của Tổng Bí thư là nhân dân, là con người, là hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, xây dựng con người, lấy nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới.

Trọn cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta bằng một tinh thần, ý chí thép, không lùi bước trước những trở ngại, khó khăn; khẳng định một nhân cách lớn, coi “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất,” giữ vững nguyên tắc, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân....

7h24:

Đoàn Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tham gia đoàn có nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ, nguyên lãnh đạo Chính phủ.

7h15:

Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch nước Tô Lâm làm trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong đoàn có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các nguyên Chủ tịch nước: Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Vòng hoa của đoàn ghi dòng chữ "Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam".

Ảnh: Quang Trung

Sau khi bước chậm rãi quanh linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm và các thành viên trong đoàn đã đến nắm tay phu nhân Ngô Thị Mận và gia quyến, chia sẻ sự mất mát.

Ảnh: Phạm Hải

7h10

Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTQ Việt Nam TPHCM và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nghỉ hưu tại TPHCM, nguyên lãnh đạo thành phố do đồng chí Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

7h00:

Đại tá Nguyễn Trung Tâm, Chính ủy Đoàn Nghi lễ Quân đội thông báo đến giờ tổ chức lễ Quốc tang; trân trọng mời lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gia quyến ổn định vị trị để bắt đầu lễ viếng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Trưởng Ban tổ chức lễ tang đọc thông cáo đặc biệt tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường. Ảnh: Phạm Hải

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân uỷ Trung ương, sinh ngày 14/4/1944; quê quán xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội. Thường trú tại nhà số 5, phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tham gia công tác từ năm 1967; vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 19/12/1967. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khoá VIII, IX, X, XI, XII, XIII; tham gia Thường trực Bộ Chính trị khoá VIII; Chủ tịch Quốc hội khoá XI, XII; Tổng Bí thư các khoá XI, XII, XIII; Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Bí thư Quân uỷ Trung ương; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương; Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đại biểu Quốc hội các khoá XI đến khóa XV.

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, y bác sĩ đầu ngành tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao bệnh nặng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7 (tức ngày 14 tháng 6 năm Giáp Thìn), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi.

Gần 60 năm công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Tổng Bí thư mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và gia quyến.

Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang.

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đọc danh sách Ban Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gồm 35 thành viên do Chủ tịch nước Tô Lâm làm Trưởng Ban Lễ tang. Danh sách Ban Tổ chức Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gồm 27 thành viên do Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm Trưởng Ban.

Ảnh: Phạm Hải

6h50:

Ban tổ chức Lễ tang thông báo, đã chuẩn bị vòng hoa cho các đoàn vào viếng Tổng Bí thư. Các đoàn đến viếng chủ động in băng đen gắn lên vòng hoa. Nguyện vọng của gia đình Tổng Bí thư xin được miễn phúng điếu, chấp điếu bằng tiền, hoa quả, lễ... của các tổ chức, cá nhân.

Dòng họ Nguyễn Phú vào viếng. Ảnh: Chí Hùng

Phu nhân Tổng Bí thư, bà Ngô Thị Mận đầu quấn khăn tang trước giờ chuẩn bị lễ Quốc tang

Tại TPHCM, các đại biểu, người dân vào Hội trường Thống Nhất chuẩn bị viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ảnh: Nguyễn Huế

6h30:

 

Tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, chiếc xe Toyota Crown BKS 80B-2089 từng phục vụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hàng chục năm cũng được đưa đến.

Chiếc xe này đã gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ khi ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội cho tới khi ông giữ trọng trách Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Tổng Bí thư.

Chiếc xe đã gắn bó bền bỉ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong suốt hành trình đến với người dân, hướng về cơ sở của ông. Đây là chiếc xe đặc biệt, ghi đậm dấu ấn phong cách nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng: giản dị, khiêm nhường, vị nước vì dân.

Tại chốt ngã tư Nguyễn Công Trứ - Lò Đúc được bố trí 4 máy quét 2 bên chốt để người dân vào viếng quét căn cước gắn chip.

 

6h00:

Tại Quảng trường Ba Đình, nghi thức treo cờ rủ được bắt đầu. Quốc kỳ được thắt lại bằng băng vải đen và treo ở độ cao 2/3 chiều cao của cột cờ. Cờ rủ Quốc tang là nghi thức treo cờ Tổ quốc ở vị trí thấp hơn so với vị trí bình thường để thể hiện sự tôn kính và thương tiếc đối những người có công lao to lớn với đất nước.

Nghi lễ treo cờ rủ cũng được tiến hành ở các cơ quan, công sở cả nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong hai ngày 25 và 26/7.

Nghi lễ treo cờ rủ tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: Đinh Tùng

 

Treo cờ rủ lúc 6h tại đảo Trường Sa. Ảnh: Bộ tư lệnh Hải quân

Trong nhà tang lễ, linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ở trung tâm đại sảnh, phủ quốc kỳ. Phía sau linh cữu có di ảnh cùng dòng chữ "Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam".

Ngoài sân nhà tang lễ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gia quyến Tổng Bí thư có mặt từ sớm để chuẩn bị bắt đầu buổi lễ.

Tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung tá Nguyễn Dự Long, Phó Tham mưu trưởng Đoàn 275, Bộ Tư lệnh Bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi có thông cáo đặc biệt, tiếp nhận các chỉ thị của cấp trên, cán bộ chiến sĩ đã làm tốt mọi công tác chuẩn bị, đặc biệt là xây dựng kế hoạch tổ chức lễ Quốc tang, lễ treo cờ rủ.

Đơn vị đã chuẩn bị cờ Tổ quốc, dải băng tang, kiểm tra lại thông số kỹ thuật vận hành cột cờ, động tác của đội tiêu binh danh dự; phối hợp hiệp đồng với các bộ phận trong Ban quản lý Lăng và Bộ Tư lệnh.

Trung tá Long chia sẻ, sự ra đi của Tổng Bí thư là mất mát to lớn. Mỗi cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh luôn bày tỏ niềm tiếc thương Tổng Bí thư, tri ân những giá trị to lớn của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp xây dựng Đảng, cống hiến cho đất nước, cho dân tộc. 

Các cán bộ chiến sĩ trong Bộ Tư lệnh quyết tâm, phát huy tinh thần trách nhiệm thực hiện nghi thức, nghi lễ tại Lăng Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình sao cho trang nghiêm, trang trọng nhất để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại khu vực sân đình làng Lại Đà (sát cạnh nhà văn hoá - nơi tổ chức lễ viếng), người dân đã xếp hàng trật tự, chờ vào viếng.

Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-1

5h30:

Tại các tuyến phố hướng về khu vực Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, các lực lượng phục vụ lễ tang có mặt để thực hiện nhiệm vụ như Cảnh vệ, Công an, CSGT... chuẩn bị hỗ trợ đảm bảo trật tự lễ viếng.

Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-2


Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải
 

Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-3


Ảnh: Chí Hùng
 

Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-4


Ảnh: Chí Hùng

Trước lễ viếng hơn 1 giờ, các tuyến phố quanh nhà tang lễ được rào chắn, cấm xe qua lại. Lực lượng bảo vệ an ninh chia làm nhiều vòng túc trực bên trong và bên ngoài nhà tang lễ.

25/07/2024 | 01:30
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, quê xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, y bác sĩ đầu ngành tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao bệnh nặng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 (tức ngày 14/6 năm Giáp Thìn), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và gia quyến. Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang.

Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-5


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và gia quyến

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7.

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.

Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Trong 2 ngày Quốc tang (25/7 và 26/7), các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.

Công an thành phố Hà Nội cho biết, để đảm bảo an ninh trật tự, người dân khi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở các địa điểm cần mang theo căn cước công dân hoặc sử dụng ứng dụng VNeID để đi qua các chốt kiểm soát. Tại các chốt, công an đã bố trí máy quét mã QRcode để người dân dễ dàng thao tác.

               (Nguồn: https://tintuconline.com.vn)