Hợp tác quốc tế trong xây dựng mạng lưới trọng lực nhà nước

Cập nhật: 01/04/2009

Đối với lĩnh vực trắc địa - bản đồ, hệ thống trọng lực quốc gia được xây dựng nhằm đảm bảo việc cung cấp các tài liệu điều tra cơ bản về trọng trường trên lãnh thổ Việt Nam, nhằm thực hiện các nhiệm vụ khoa học - kỹ thuật như:


-  Hiệu chỉnh các trị đo thuộc mạng lưới thiên văn 

- Trắc địa nhà nước.

- Nghiên cứu chuyển dịch đứng của vỏ trái đất trên lãnh thổ Việt Nam.

- Truyền độ cao quốc gia ra các đảo xa và thiết lập các mối quan hệ giữa các hệ độ cao của các khu vực và trên thế giới.

- Thiết lập mặt Geoid độ chính xác cao trên lãnh thổ Việt Nam, làm cơ sở cho việc xây dựng hệ độ cao quốc gia và xác định độ cao chuẩn của các điểm mặt đất nhờ công nghệ vệ tinh.

- Tính chuyển các chênh cao thành các chênh cao chuẩn tương ứng với hệ độ cao quốc gia đối với mạng lưới thuỷ chuẩn nhà nước.

- Tính tốc độ của sóng thần ngoài đại dương phục vụ dự báo thảm hoạ sóng thần (cùng với các dữ liệu đo đạc địa hình đáy biển).

Trong các nhiệm vụ khoa học - kỹ thuật trên thì việc tính toán xác định mặt Geoid trên lãnh thổ Việt Nam đòi hỏi độ chính xác đo đạc trọng lực chi tiết ở mức cao nhất.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống trọng lực Nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác điều tra cơ bản ở nước ta. Song song với các nhiệm vụ về điều tra cơ bản khác như: xây dựng hệ thống toạ độ, độ cao quốc gia, xây dựng hệ thống bản đồ phủ trùm … đo đạc trọng lực sẽ góp phần vào việc hoàn thiện các số liệu cơ bản quốc gia mà các số liệu này sẽ phục vụ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều mục đích. 

Hệ thống trọng lực ở nước ta đã được xây dựng và hiện đại hóa trong giai đoạn 1973-1988. Trong thời gian trên, hệ thống trọng lực đã đóng góp vai trò đáng kể, đáp ứng kịp thời cho công tác phát triển kinh tế và nghiên cứu khoa học không chỉ cho các ngành trắc địa bản đồ mà còn nhiều ngành khoa học khác. Tuy nhiên, từ năm 1988 tới nay, công tác trọng lực đã không được phát triển, hệ thống trọng lực Nhà nước chưa được xem xét, đánh giá, sử dụng một cách hợp lý. Các điểm trọng lực trên toàn quốc bị hư hỏng và mất quá nhiều. Vì vậy, nhiều nhiệm vụ không được triển khai giải quyết kịp thời. 

Hiện nay, do yêu cầu cấp bách nhằm xây dựng hoàn thiện hệ thống các số liệu cơ bản quốc gia: Hệ toạ độ, độ cao, hệ trọng lực phục vụ cho nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế đặt ra cho chúng ta cần phải quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống trọng lực để giải quyết nhiều bài toán quan trọng của ngành Trắc địa bản đồ, thăm dò khoáng sản và các ngành khoa học khác. 

Xác lập các số liệu trọng lực cơ bản có độ chính xác cao sẽ làm cơ sở thống nhất hệ thống trọng lực quốc gia và tham gia nghiên cứu trọng trường khu vực và thế giới. Đối với công tác Trắc địa bản đồ các số liệu trọng lực cần thiết cho việc chỉnh lý hệ thống toạ độ, độ cao quốc gia, thiết lập mô hình Geoid chính xác để nghiên cứu lãnh thổ và xác lập các phương pháp đo cao vệ tinh trọng lực. Nghiên cứu sự biến thiên trọng trường trong phạm vi nước ta, để tìm ra và phát hiện các nguyên nhân thay đổi do tác động của thiên tai và động đất giúp cho việc phát hiện sớm các hiện tượng tự nhiên và có các phương án phòng chống hiệu quả. 

Năm 2003, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ (Viện Nghiên cứu Địa chính trước đây) thực hiện dự án “Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống trọng lực Nhà nước”. Dự án đã thực hiện trong 5 năm qua với nhiều hạng mục đã hoàn thành, đảm bảo hệ thống lại toàn bộ số liệu trọng lực của Việt Nam theo hệ trọng trường mới. Trong khuôn khổ của dự án này, có hạng mục xây dựng lưới trọng lực cơ sở (các điểm tuyệt đối) và mạng lưới điểm trọng lực hạng I. Đây là những công việc đòi hỏi máy móc, thiết bị phải chuyên dụng mới đảm bảo yêu cầu về độ chính xác. Ngoài ra kinh nghiệm của người đo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị đạt được. 

Từ năm 2005 Viện đã có những hợp tác với Xí nghiệp Trắc địa ảnh Maxcova trong nghiên cứu khoa học xác định trọng lực bằng công nghệ laser, và từ đó đến nay các cuộc trao đổi giữa hai bên vẫn diễn ra thường xuyên. Theo sự thỏa thuận, phía Nga sẽ hợp tác với Viện trong đo trọng lực tuyệt đối theo 3 giai đoạn. Năm 2005 đã thực hiện đo tại 4 điểm tuyệt đối:  Láng (Hà Nội), Điện Biên, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; Năm 2008 đã thực hiện đo trọng lực tại 8 điểm: Cao Bằng, Sapa (Lào Cai), Vinh (Nghệ An), Lao Bảo (Quảng Trị), Nha Trang (Khánh Hòa), Ban Mê Thuột (Đắc Lắc), Phú Quốc (Kiên Giang) và Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu). Dự kiến trong năm 2009 sẽ hoàn thành giai đoạn 3, đo 29 điểm trọng lực hạng I phủ trùm toàn lãnh thổ Việt Nam.

Dự án trọng lực sẽ còn tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo. Sự hợp tác với các chuyên gia Nga đã cho chúng ta có những kinh nghiệm nhất định trong việc xác định, tính toán và khai thác dữ liệu trọng lực. Đoàn đo đạc trọng lực thuộc Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ với lực lượng trẻ, nhiệt tình và được đào tạo có bài bản là nguồn nhân lực chính khi thực hiện dự án trọng lực. Hiện nay Viện đã có 07 máy đo trọng lực có độ chính xác ± 0,02 Micro Gal - ± 0,03 Micro Gal, hoàn toàn có thể đảm bảo các yêu cầu của Bộ giao cho.

 

 

                                           (Phòng KHCN&HTQT)