NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ, MÃ SỐ TNMT.2018.07.07

Cập nhật: 26/08/2021

Ngày 25 tháng 8 năm 2021 Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp bộ: “Nghiên cứu ứng dụng thiết bị trọng lực tuyệt đối trong đo vẽ thành lập bản đồ dị thường trọng lực phục vụ điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường”, mã số TNMT.2018.07.07, do TS. Lê Anh Dũng làm chủ nhiệm, theo hình thức trực tuyến.

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng thiết bị trọng lực tuyệt đối trong đo vẽ thành lập bản đồ dị thường trọng lực phục vụ điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường”, mã số TNMT.2018.07.07, do TS. Lê Anh Dũng làm chủ nhiệm được phê duyệt tại quyết định số  556/QĐ-BTNMT ngày 23 tháng 02 năm 2018 và quyết định gia hạn số 3024/QĐ-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2021; thực hiện từ năm 2018 đến năm 2021

Mục tiêu của đề tài:

Đề xuất được quy trình công nghệ và chỉ tiêu kỹ thuật trong hiệu chỉnh trọng lực, nhằm nâng cao độ chính xác của bản đồ dị thường trọng lực tỷ lệ 1:5.000 và 1:10.000 bằng thiết bị đo trọng lực tuyệt đối phục vụ điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường.

Sản phẩm của đề tài:

1. Báo cáo khoa học kỹ thuật của đề tài (báo cảo tổng hợp và báo cáo tóm tắt).

2. Quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật trong xác định số hiệu chỉnh phục vụ thành lập bản đồ dị thường Bouguer tỷ lệ 1:10.000, 1:5000 bằng thiết bị đo trọng lực tuyệt đối.

3. Các bản đồ dị thường trọng lực khu vực nghiên cứu, các số liệu đo đạc, báo cáo chuyên đề.

4. Bài báo khoa học: 1 bài khoa học công bố trên Tạp chí Khoa học Đo đạc và Bản đồ số 47, tháng 3/2021 “Thống nhất phương pháp tính dị thường trọng lực cho các nhiệm vụ tài nguyên và môi trường” Tr 6-12.

5. Đào tạo 1 ThS. chuyên ngành trắc địa cao cấp tên đề tài “Tên đề tài: ứng dụng công nghệ GNSS-CORS trong nâng cao độ chính xác bản đồ dị thường trọng lực bouguer”, tại cơ sở đào tạo Trường Đại học Mỏ - Địa chất, tốt nghiệp tháng 6/2022.

Ý nghĩa khoa học, thực tiễn của đề tài

Kết quả nghiên cứu sẽ là một trong những cơ sở để:

- Đề xuất các tiêu chuẩn kỹ thuật và ứng dụng các công nghệ mới vào quy trình đo trọng lực, thành lập bản đồ dị thường trọng lực tỷ lệ lớn (1:10.000, 1:5000);

- Thống nhất được phương pháp tính các dị thường trọng lực Faye và Bouguer;

- Thống nhất được các tiêu chuẩn tính các số hiệu chỉnh cho cả 2 lĩnh vực địa chất khoáng sản và đo đạc bản đồ. Nghiên cứu này khẳng định tính ứng dụng hiệu quả của thiết bị đo trọng lực tuyệt đối trong thành lập bản đồ dị thường trọng lực, hoàn thiện các quy định hiện nay về thăm dò trọng lực trong lĩnh vực địa chất khoáng sản.

- Đối với đơn vị chủ trì là Viện khoa học Đo đạc và bản đồ, kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở cho việc hoàn thiện các quy trình đo trọng lực ứng dụng, góp phần thực hiệncác nhiệm vụ điều tra cơ bản của ngành tài nguyên và môi trường do Bộ giao. Từng bước hoàn thiện các thông tư quy định về đo đạc mạng lưới trọng lực chi tiết….

- Đối với các Tổng cục Địa chất khoáng sản, kết quả nghiên cứu sẽ giúp cho cơ quan quản lý nhà nước xem xét hoàn thiện các thông tư quy định về thăm dò trọng lực, nhằm nâng cao chất lượng của công tác địa vật lý.

- Đối với kinh tế xã hội sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng của thăm dò khoáng sản khi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng trọng lực trong điều tra, thăm dò khoáng sản.

Ngày 25 tháng 8 năm 2021 Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành nghiệm thu đề tài theo quyết định số 1534/QĐ-BTNMT ngày 04 tháng 08 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hội đồng nghiệm thu do ông Hoàng Mạnh Cương - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ làm chủ tịch; các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ quản lý khoa học đại diện cho Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam; Cục Viễn thám Quốc gia; Cục Bản đồ - Bộ Tổng tham mưu; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt nam; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt nam; Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam; Trường Đại học Mỏ - Địa chất; Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ…

 

Kết quả đánh giá: 

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá, xếp loại: Đạt 

Dưới đây là một số kết quả của đề tài:

1. Đề xuất được quy trình công nghệ và chỉ tiêu kỹ thuật trong hiệu chỉnh trọng lực, nhằm nâng cao độ chính xác của bản đồ dị thường trọng lực tỷ lệ 1:5.000 và 1:10.000 bằng thiết bị đo trọng lực tuyệt đối phục vụ điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường.

2. Đề tài đã phân tích và trình bày đầy đủ về khái niệm và cơ sở khoa học của 2 dị thường dùng cho 2 lĩnh vực địa chất khoáng sản và đo đạc bản đồ, làm rõ sự khác biệt và chưa thống nhất về cách xác định dị thường Faye và dị thường Bouguer; đề xuất sử dụng thống nhất cách tính cho dị thường Faye và Bouguer, đảm bảo cho lĩnh vực địa chất khoáng sản và đo đạc bản đồ có thể sử dụng dữ liệu của nhau trong nghiên cứu về trọng lực.

3. Đề tài đã đánh giá đầy đủ các bước trong quy trình thành lập bản đồ dị thường Faye và Bouguer từ đó đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao độ chính xác của các bước trong thành lập bản đồ dị thường, từ đó nâng cao độ chính xác của các bản đồ dị thường.

4. Đề tài đã sử dụng thiết bị FG5x đề xây dựng mạng lưới tựa bằng phương pháp tuyệt đối cho khu thử nghiệm và đề xuất bổ sung phương pháp tính các số hiệu chỉnh trong quá trình xây dựng mạng lưới trọng lực tựa, đảm bảo nâng cao độ chính xác cho tính toán giá trị dị thường Faye và Bouguer.

5. Đề tài đã ứng dụng công nghệ GNSS-CORS trong công tác trắc địa – địa hình. Về độ cao đo bằng GNSS-CORS so với đo bằng thủy chuẩn tại 800 điểm chi tiết có sai số trung phương đạt ± 0,3423 m, đảm bảo yêu cầu của độ cao hạng IV. Về tọa độ đo bằng GNSS-CORS-PPK tại 800 điểm chi tiết có sai số trung phương đạt ± 0,1846 m, đảm bảo yêu cầu về vị trí điểm đo trọng lực chi tiết.

6. Đề tài đã đề xuất ứng dụng thuật toán mới nhất trong tính toán hiệu chỉnh địa hình phục vụ xây dựng bản đồ dị thường Bouguer hình cầu mới. Thuật toán đã chia địa hình thành 4 vùng: vùng trong cùng, vùng gần, vùng xa và vùng ngoài cùng, tương ứng với các bán kính <r, từ r đến 8r, từ 8r đến 16r và ngoài > 16r; giải pháp xác định bán kính r cho vùng địa hình. Thuật toán này đã được cụ thể hóa trong phần mềm OASIS montaj trong tính toán địa vật lý, lập các bản đồ dị thường.

Đề tài đã tiến hành thực nghiệm bằng 2 nhóm giải pháp công nghệ trong “Thực nghiệm 1 và Thực nghiệm 2”, theo đó thực nghiệm 1 đã tiến hành các bước thành lập bản đồ dị thường trọng lực Faye và Bouguer tỷ lệ 1:5000 và 1:10.000 theo quy định tại Thông tư 05/2011/TT-BTNMT, thực nghiệm 2 đã tiến hành các bước thành lập bản đồ dị thường trọng lực Faye và Bouguer tỷ lệ 1:5000 và 1:10.000 theo các giải pháp công nghệ do đề tài đề xuất. Kết quả cho thấy dị thường Faye và Bouguer so sánh giữa 2 thực nghiệm (theo đánh giá trị đo kép) có sai số trung phương cho trị trung bình của các cặp trị đo hoàn toàn đáp ứng yêu cầu đối với cả 2 tỷ lệ 1:5.000 và 1:10000 từ (theo yêu cầu sai số xác định dị thường Faye và Bouguer từ 0,08 đến 0,10 mGal).

Đề tài đã đề xuất được quy trình và chỉ tiêu chuẩn kỹ thuật trong hiệu chỉnh trọng lực nhằm nâng cao độ chính xác của bản đồ dị thường trọng lực tỷ lệ 1:5.000 và 1:10.000 bằng thiết bị đo trọng lực tuyệt đối.

(Báo cáo tổng kết của đề tài có thể được tham khảo tại Thư viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, số 479, Hoàng Quốc Việt, Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

(Phòng KH,ĐT,HTQT,TC)