VIỆN KHOA HỌC ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ TỔ CHỨC HỘI THẢO TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAI ĐOẠN 2011 - 2021 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030. LĨNH VỰC VIỄN THÁM

Cập nhật: 19/05/2022

Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngày 18/5/2022 Viện khoa học Đo đạc và Bản đồ tiến hành tổ chức Hội thảo tổng kết 10 năm hoạt động Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực Viễn thám với chủ đề “Tổng kết hoạt động Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2021 và định hướng đến năm 2030. Lĩnh vực Viễn thám”. Đây là hoạt động nhằm kỷ niệm tiến tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Bộ TN&MT (2002 – 2022) và chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (18/5).

Tham dự Hội thảo bà Vũ Thị Hằng - Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ cùng nhiều lãnh đạo, đại biểu đến từ Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Tổ chức cán bộ; Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Hội Trắc địa Bản đồ Viễn thám Việt Nam, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội...cùng nhiều các đơn vị trong và ngoài Bộ, các chuyên gia, các nhà khoa học và tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của Cục Viễn thám Quốc gia. Đại diện cơ quan Báo chí của ngành cũng đến tham gia để đưa tin. 

Toàn cảnh Hội thảo

Tổng kết 10 năm hoạt động KH&CN 2011 - 2021, Đối với lĩnh vực Viễn thám từ khi thành lập Cục đến nay (2013) hoạt động KH&CN được xác định là một trong 9 lĩnh vực của Bộ TN&MT, đối với giai đoạn trước đó, các kết quả nghiên cứu khoa học Viễn thám đồng hành cùng lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ. Hội thảo nhằm đánh giá những thành quả của nhiều nhà khoa học, nhiều cá nhân, tập thể đã đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực Viễn thám hiện nay và Đo đạc - Bản đồ - Viễn thám trước đây, cũng từ hội thảo này phát huy những kinh nghiệm, rút ra những bài học, nhằm định hướng cho những năm tiếp theo, đó chính là mục tiêu của hội thảo khoa học lần này.

Lĩnh vực Viễn thám đã trở thành một lĩnh vực công nghệ cao có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới. Cục Viễn thám là cơ quan quản lý nhà nước giúp Bộ quản lý và thực thi các hoạt động viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia trên biển. Để phục vụ tốt cho hoạt động quản lý, công tác nghiên cứu khoa học đã được xác định là then chốt. Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của lĩnh vực Viễn thám đã thể hiện rất rõ trong báo cáo tổng kế hoạt động KH&CN, với 40 đề tài cấp Bộ, 7 đề tài cấp quốc gia, nhiều đề tài cơ sở. Đây là những thành quả đáng trân trọng của các tập thể, cá nhân, các nhà khoa học không chỉ trong Cục Viễn thám Quốc gia mà còn ở các cơ quan, đơn vị khác trong và ngoài Bộ đã miệt mài nghiên cứu trong những năm qua.

Hội thảo năm nay với chủ đề “Tổng kết hoạt động KH&CN lĩnh vực Viễn thám giai đoạn 2011-2021” sẽ tập trung vào những vấn đề chính như: 

1) Tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực Viễn thám giai đoạn 2011-2021; 

2) Đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước, chuyển giao công nghệ, ứng dụng trong các lĩnh vực khác của Bộ TN&MT, đào tạo nguồn nhân lực; 

3) Các định hướng nghiên cứu đến năm 2030. 

TS. Nguyễn Quốc Khánh - Cục trưởng, Cục Viễn thám Quốc gia phát biểu khai mạc

Trong nội dung bài phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia TS. Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Thành tựu nghiên cứu khoa học trong giai đoạn 2011-2021 của lĩnh vực viễn thám được gắn liền với việc triển khai thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2016 - 2020 với tên gọi “Nghiên cứu công nghệ viễn thám trong quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với BĐKH, quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế xã hội”.

Theo đó, các kết quả nghiên cứu KH&CN đã có đóng góp rất lớn cho việc hình thành cơ chế, chính sách pháp luật về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thám ở Việt Nam, đồng thời cung cấp các cơ sở khoa học phục vụ cho việc quy hoạch các thiết bị và vệ tinh viễn thám và hỗ trợ quá trình xây dựng triển khai và thực hiện các đề án chế tạo thiết bị, vệ tinh viễn thám theo đúng chiến lược, đáp ứng được tối đa các nhu cầu sử dụng dữ liệu viễn thám góp phần phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu KH&CN lĩnh vực viễn thám giai đoạn này vẫn còn những bất cập, hạn chế như: thiếu nguồn cán bộ khoa học giỏi, tâm huyết phù hợp với định hướng phát triển; thách thức về đầu tư thiết bị - công nghệ;...

Vì vậy, tại Hội thảo này, TS.Nguyễn Quốc Khánh mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của lãnh đạo quản lý của các đơn vị trong và ngoài Bộ về khả năng ứng dụng, mức độ ưu tiên, ý tưởng đặt hàng để nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực viễn thám có sự đầu tư nghiên cứu sâu hơn nữa, đặc biệt, đối với những hướng nghiên cứu có thể tạo ra các sản phẩm khoa học mang ý nghĩa quan trọng cho ngành TN&MT nói riêng và cho đất nước nói chung.

 TS Nguyễn Thị Hằng, Phó Vụ trưởng- Vụ KH&CN phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Vũ Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ TN&MT đã đề xuất một số giải pháp để thực hiện thành công các nhiệm vụ của KH&CN về viễn thám trong thời gian tới, đó là: Tập trung nghiên cứu, làm chủ công nghệ theo các nhóm công nghệ ưu tiên, các công nghệ viễn thám hiện đại phục vụ trực tiếp cho điều tra, quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường; Tăng cường sự phối hợp giữa Cục Viễn thám quốc gia với các đơn vị thuộc Bộ TN&MT, các Bộ liên quan và đặc biệt là với các địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho các đơn vị trong, ngoài Bộ và các địa phương.

Hội thảo trình bày 4 báo cáo tham luận:

1. Báo cáo: “Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong phát triển cơ sở hạ tầng viễn thám giai đoạn 2011-2021”. TS. Chu Hải TùngPhó cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia

2. Báo cáo: “Những thành tựu của nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011-2021 và định hướng đến năm 2030”. TS. Lê Quốc Hưng - Phó cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia

3. Báo cáo: “Kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý nhà nước về viễn thám giai đoạn 2011-2021, định hướng đến năm 2030”.  TS. Nghiêm Văn Tuấn - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Cục Viễn thám quốc gia

4Báo cáo: “Mối liên hệ giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo trong lĩnh vực Viễn thám giai đoạn 2011-2021, tầm nhìn đến năm 2030”.  TS. Bùi Thị Hồng Thắm - Trưởng khoa Khoa Trắc địa, bản đồ và Thông tin địa lý, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

TS. Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ phát biểu tại Hội thảo

Thay mặt cho đơn vị tổ chức, TS. Nguyễn Phi Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ phát biểu: Giai đoạn 2011-2021, bên cạnh việc thực hiện tốt các đề tài nghiên cứu, còn phải kể đến sự đầu tư tiềm lực khoa học, hạ tầng công nghệ cho Viễn thám, với máy móc, thiết bị, phần mềm hiện đại để duy trì các công nghệ thu và xử lý ảnh viễn thám, cung cấp cho xã hội các cấp các ngành, …Tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng như hiện nay của công nghệ Viễn thám, nếu chúng ta không đầu tư cho nghiên cứu khoa học, tăng cường đổi mới công nghệ thì đây là một thách thức lớn đối với lĩnh vực của chúng ta.

Một nguồn tiềm lực quan trọng của KHCN Viễn thám đó là con người, trong bối cảnh hiện nay để có được hội ngũ cán bộ khoa học giỏi, tâm huyết, chúng phải tự đào tạo và tạo các cơ chế phù hợp cho phát triển. Đặc biệt là hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học phải được đẩy mạnh.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ đã định hướng công tác nghiên cứu KHCN với 6 khung Chương trình lớn, mỗi lĩnh vực đều có khả năng tham gia đầy đủ hoặc tham gia từng phần vào 6 chương trình này, với quan điểm phối hợp để nghiên cứu và cùng giải quyết các vấn đề lớn của ngành, lĩnh vực Viễn thám mong muốn được hợp tác nghiên cứu, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các đơn vị khác trong Bộ, đặc biệt là các Viện nghiên cứu để tính ứng dụng của viễn thám trở nên gần gũi hơn.

Thay mặt ban tổ chức, thay mặt lãnh đạo Viện khoa học Đo đạc và Bản đồ chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị quản lý, các quan đơn vị, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học đã quan tâm và đến dự hội thảo.

                            (Phòng Khoa học, ĐT, HTQT&TC)