30 NĂM VIỆN KHOA HỌC ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ: ĐƯA CÔNG NGHỆ ĐO ĐẠC LÊN TẦM CAO MỚI

Cập nhật: 12/07/2024

Được thành lập vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến nay, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã không ngừng phát triển lớn mạnh trở thành một Viện nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành TN&MT nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.

Nhân dịp kỷ niệm 30 xây dựng và phát triển Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ (9/7/1994 - 9/7/2024), Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ về những thành tựu đạt được trong chặng đường đã qua và chiến lược, định hướng phát triển của Viện trong thời gian tới.

PV: Năm 2024 đánh dấu cột mốc 30 năm hình thành và phát triển của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ. 30 năm phát triển của Viện gắn với nhiều nhiệm vụ lớn của ngành TN&MT nói riêng, của đất nước nói chung. Xin ông cho biết những nét khái quát của Viện trong chặng đường đã qua?

TS. Nguyễn Phi Sơn: Viện Khoa học Đo đạc và bản đồ tiền thân là Viện Khoa học và Công nghệ Địa chính được thành lập ngày 09/7/1994 theo Quyết định số 413/QĐ/TCĐC của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính trên cơ sở kết hợp Liên hiệp Khoa học sản xuất Trắc địa và Bản đồ và Đội bay chụp của Trung tâm Tư liệu Đo đạc và Bản đồ. Viện Khoa học và Công nghệ Địa chính là một trong 43 Viện Nghiên cứu khoa học của Nhà nước.Sau khi thành lập Bộ TN&MT (05/8/2002), Viện Nghiên cứu Địa chính là đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT với chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức được thực hiện theo Quyết định số 11/2004/QĐ-BTNMT ngày 16/6/2004.Đến năm 2006, Viện nghiên cứu Địa chính được đổi tên thành Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ theo Quyết định 1238/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.Theo quyết định số 3080/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện được bổ sung thêm chức năng đào tạo trình độ Tiến sĩ kỹ thuật trắc địa và bản đồ và bắt tuyển nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật Trắc địa bản đồ từ năm 2012.Ngày 09/01/2024, theo Quyết định 68/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập, có chức năng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về đo đạc và bản đồ; đào tạo trình độ tiến sĩ kỹ thuật trắc địa và bản đồ.Với 3 lần đổi tên, Viện luôn giữ vững vai trò là Viện nghiên cứu hàng đầu của lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Các sản phẩm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Viện đã được triển khai rộng rãi, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, khẳng định được vai trò vị thế của Viện và góp phần vào sự phát triển của của ngành TN&MT.Thời kỳ đầu thành lập, nguồn lực cán bộ khoa học trên đại học của Viện Khoa học và Công nghệ Địa chính khi đó chỉ có 03 Tiến sỹ và 01 TSKH. Các đơn vị nghiên cứu khoa học mới chỉ có 02 bộ môn nghiên cứu khoa học là Bộ môn địa chính và Bộ môn GIS – công nghệ thông tin.Trải qua thời gian, đến nay, Viện đã phát triển vượt bậc về chất lượng nguồn nhân lực với tổng số cán bộ là 175 người, bao gồm 01 PGS.TSKH, 07 Tiến sỹ, 52 Thạc sỹ, 96 cán bộ đại học. Với tiềm lực khoa học công nghệ ngày càng vững mạnh về chất lượng, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã và đang khẳng định được vai trò là đơn vị nghiên cứu đầu ngành của lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.

TS. Nguyễn Phi Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ

PV: Trong hành trình 3 thập kỷ xây dựng và phát triển, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã tạo được thương hiệu uy tín, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhìn lại hành trình 30 năm qua của Viện, theo ông, đâu là những điểm nhấn trên hành trình đó?

TS. Nguyễn Phi Sơn: Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã nghiên cứu nhiều kỹ thuật, ứng dụng nhiều công nghệ; đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác điều tra cơ bản, số hóa dữ liệu không gian, trên biển, trên không, vẽ nên dáng hình Tổ quốc, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường.Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Viện là đơn vị tiên phong trong việc triển khai ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào công tác điều tra cơ bản TNMT. Các sản phẩm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Viện đã được triển khai rộng rãi, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành TN&MT.Bên cạnh đó, Viện cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực đo đạc bản đồ.Trong hợp tác quốc tế, Viện đã từng bước thiết lập và mở rộng quan hệ với các đối tác truyền thống và mới trên nhiều lĩnh vực. Viện cũng tích cực hội nhập quốc tế thông qua việc tổ chức và tham gia nhiều hội nghị, hội thảo khoa học lớn, tạo dựng uy tín và vị thế ngày càng cao của ngành đo đạc bản đồ Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.Đặc biệt, Viện đã trở thành đơn vị tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ tiến sĩ về đo đạc bản đồ, góp phần phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành cho lĩnh vực đo đạc - bản đồ và cho ngành TN&MT. Các chương trình đào tạo sau đại học của Viện luôn gắn với nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn, bắt kịp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ.

PV: Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và những thành tựu trong 30 năm qua, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã xây dựng định hướng chiến lược phát triển cụ thể như thế nào để hướng đến những tầm cao mới trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển, thưa ông?

TS. Nguyễn Phi Sơn: Bước sang giai đoạn mới, khoa học công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt công nghệ mới trên thế giới đang mở ra cơ hội hiện đại hóa ngành đo đạc và bản đồ tại Việt Nam. Đó vừa là thời cơ vừa là thách thức đối với Viện.Trước bối cảnh mới, lãnh đạo Viện tiếp tục phát huy truyền thống quý báu 30 năm qua, hướng đến những đỉnh cao mới trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, thời gian tới, Viện sẽ tập trung mở rộng phạm vi hoạt động về chuyển giao công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, nâng cao vị thế của công nghệ đo đạc bản đồ.Cùng với đó, Viện sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo, tuyển dụng, trọng dụng người tài. Tiếp đến là tăng cường liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước để chuyển giao, ứng dụng các công nghệ mới nhất phục vụ công tác điều tra cơ bản một cách hiệu quả nhất.Hơn nữa, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Viện sẽ tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT... để tạo ra các sản phẩm dữ liệu và công nghệ đột phá, có khả năng thương mại hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành TN&MT nói riêng và sự phát triển bền vững của đất nước nói chung.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

                (Nguồn: https://www.monre.gov.vn)