PHIÊN CHUYỂN ĐỊA DANH CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM SANG TIẾNG VIỆT: CÓ MỘT KHO BẢN ĐỒ QUÝ

Cập nhật: 06/05/2009

Phiên chuyển địa danh các dân tộc Việt Nam sang tiếng Việt: Có một kho bản đồ quý.

Tại Đà Lạt có kho lưu trữ tư liệu bản đồ lớn nhất của Việt Nam. Trước năm 1940, do lo ngại có chiến sự với người Nhật, người Pháp đã chuyển Nha Địa dư Đông Dương từ Hà Nội vào Sài Gòn, sau đó lên Đà Lạt.

Lớp địa danh trên bản đồ đã được chú ý từ rất sớm. Cần lưu ý rằng, tiếng Việt phổ thông hiện nay do người Bồ Đào Nha đặt ra và người Pháp hoàn thiện có nhiều dấu thanh điệu gần giống tiếng Bồ hơn tiếng Pháp vì tiếng Việt là loại tiếng đơn âm điển hình dùng thanh điệu để phân biệt nghĩa.

Vì đang trong quá trình phát triển và dần hoàn thiện nên khi đó không thể đặt vấn đề dùng tiếng Việt trên bản đồ, vả lại người Pháp làm bản đồ chủ yếu cho người Pháp sử dụng nên các phiên âm phải phù hợp với tiếng Pháp. Cách ghi chú địa danh trên bản đồ này còn ảnh hưởng lâu dài đến hệ thống địa danh ngày nay như: Bắc Kạn, Lào Cay, Yên Báy. Bản đồ tỷ lệ 1/50.000 do người Mỹ làm trong thời gian 1963-1965 phần miền Bắc lấy địa danh theo bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Pháp, phiên âm theo tiếng Anh nên hầu như bỏ dấu.

Hệ thống lưu trữ của Nha Địa dư Đông Dương trước đây và hiện nay là Xí nghiệp in Bản đồ Đà Lạt còn khá tốt, nhiều sổ đo, ghi chép chữ viết và giấy in trông như còn mới. Các tài liệu khác có liên quan đến quá trình sản xuất bản đồ như số liệu đo đạc, tính toán, phim ảnh, chế bản lưu khá đầy đủ. Đáng tiếc là các tài liệu liên quan đến quá trình điều vẽ ngoại nghiệp, biên tập bản đồ chưa tìm được, nên không biết quá trình thu thập và xử lý địa danh cụ thế thế nào.

Tài liệu bản đồ gồm bản đồ tỷ lệ 1/50.000 khu vực Di Linh, Gia Ray, Bình Gia, Lạng Sơn, phóng to từ bản đồ địa hình 1/100.000 Đông Dương xuất bản từ năm 1943-1954. Các bản đồ cũ này có giá trị tham khảo nhất định trong quá trình chuẩn hóa địa danh dùng trên bản đồ sau này.

Ngoài ra, Nha Địa dư còn ấn hành nhiều bản đồ chuyên đề như Bản đồ Tự nhiên, đường sá Đông Dương tỷ lệ 1/2.000.000 năm 1938, bản đồ kinh tế Đông Dương năm 1937, đặc biệt có bản đồ nhóm ngôn ngữ dân tộc năm 1949 tỷ lệ 1/2.000.000 làm theo sự chỉ đạo của Viễn Đông Bác Cổ. Trong bản đồ này thể hiện các nhóm dân tộc theo ngôn ngữ, là cơ sở chính cho việc định danh phân nhóm dân tộc, là các nhóm Thái Lào, Thái, Nùng, Khmer, Chăm, nhóm Môn - Khmer, nhóm Nam đảo Malayo Polynésien, Việt, Mường, Mán, Sino Tibétain, Mèo và vài nhóm dân tộc nhỏ khác. Cách phân loại này không hoàn toàn giống cách phân loại hiện nay nhưng là một tài liệu rất có giá trị tham khảo. Đáng chú ý là trong bản đồ này đã đề cập đến hiện tượng cư trú xen kẽ giữa các nhóm dân tộc như người Việt - Khmer, người Mường - Thái, người Việt - Mèo, Việt - Thổ.

Trong chuyến điền dã cuối năm 2007 vừa qua, việc khảo sát các tư liệu bản đồ tại đây đã giúp nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu địa chính thực hiện đề tài "Nghiên cứu xây dựng các chuẩn phiên chuyển địa danh các dân tộc Việt Nam sang tiếng Việt", nhất là khẳng định phải để mẫu phiên chuyển từ tiếng Khmer sang tiếng Việt theo cách riêng.