HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ: "MÔ HÌNH MDT VIỆT NAM TƯƠNG ỨNG VỚI HỆ ĐỘ CAO QUỐC GIA ĐƯỢC THÀNH LẬP TỪ MÔ HÌNH MDT QUỐC TẾ VÀ CÁC KẾT QUẢ XÁC ĐỊNH CÁC MẶT NƯỚC BIỂN"

Cập nhật: 04/01/2016

Ngày 19 tháng 12 năm 2015, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã tổ chức Hội thảo chuyên đề "Mô hình MDT Việt Nam (nền thông tin địa lý trên biển) tương ứng với Hệ độ cao quốc gia được thành lập từ mô hình MDT quốc tế và các kết quả xác định các mặt biển trung bình, cao nhất, thấp nhất theo phương pháp hải văn" của Đề tài cấp Nhà nước: "Nghiên cứu đánh giá các mặt chuẩn mực nước biển (mặt “0” độ sâu, trung bình và cao nhất) theo các phương pháp trắc địa, hải văn và kiến tạo hiện đại phục vụ xây dựng các công trình và quy hoạch đới bờ Việt Nam trong xu thế biến đổi khí hậu", mã số: KC.09.19/11-15, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KC.09/11-15.

Buổi Hội thảo với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ quản lý khoa học đại diện cho Cục Bản đồ - Bộ Tổng tham mưu; Trường Đại học Mỏ - Địa chất; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; Viện Địa lý, Viện Cơ học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Hội Trắc địa và Bản đồ Việt Nam; Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ…

Hội thảo gồm hai phần: 

- Phần thứ nhất, Mô hình MDT Việt Nam (nền thông tin địa lý trên biển) tương ứng với Hệ độ cao quốc gia được thành lập từ mô hình MDT quốc tế: 

Để phục vụ công tác quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển, chúng ta không thể không nghiên cứu thành lập bản đồ địa hình động lực trung bình MDTVN trên vùng biển Việt Nam để làm nền thông tin địa lý quốc gia trên biển phục vụ công tác thành lập các thể loại bản đồ chuyên đề khác nhau về biển và phục vụ công tác đo sâu - thành lập bản đồ địa hình đáy biển. Với ý nghĩa như vậy, việc xây dựng mô hình mặt biển trung bình MDTVN trên vùng biển Việt Nam trở thành một trong những nội dung nghiên cứu quan trọng của Đề tài.

- Phần thứ hai, các kết quả xác định các mặt biển trung bình, cao nhất, thấp nhất theo phương pháp hải văn

Các kết quả phân tích đặc trưng mực nước biển tại các đảo và ven bờ Việt Nam theo số liệu quan trắc nhiều năm (01/1994 đến tháng 06/2014) tại 17 trạm hải văn (nghiệm triều) cố định và các số liệu quan trắc liên tục trong 30 ngày đêm tại 22 các trạm nghiệm triều bổ sung (tạm thời) được tính toán và phân tích theo các phương pháp phân tích thống kê truyền thống như phân tích điều hòa dự tính thủy triều, phương pháp Vladimirsky và Peresipkin tính cực trị thủy triều, hàm phân bố Gumbel xác định mực nước theo các chu kỳ lặp, phương pháp tính sai số, tính xu thế biến động…

Sau khi Chủ nhiệm Đề tài báo cáo tổng quát kết quả nghiên cứu của chuyên đề, các nhà khoa học đã góp ý, giúp nhóm nghiên cứu hoàn thiện, chỉnh sửa một số điểm.

(Theo Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế)