VAI TRÒ CỦA HỆ THỐNG TIÊU CHUẨN QUỐC GIA, QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA THUỘC LĨNH VỰC ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA

Cập nhật: 05/10/2023

Tóm tắt. Luật Đo đạc và bản đồ ra đời đánh dấu một bước phát triển mới của lĩnh vực Đo đạc và bản đồ, đặc biệt với vai trò được khẳng định tại khoản 4 Điều 4 “Hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành phải sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm từ hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản” và khoản 5 Điều 4 “Cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ cơ bản phải được sử dụng làm nền tảng của dữ liệu không gian địa lý quốc gia”. Do vậy, Nghị quyết số 17/NQ - CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 đã đưa nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở dữ liệu không gian địa lý quốc gia, cung cấp hạ tầng dữ liệu thiết yếu cho vận hành, phát triển chính phủ điện tử, các dịch vụ công trực tuyến, phát triển đô thị thông minh” là một trong những nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng nền tảng công nghệ phát triển chính phủ điện tử phù hợp với xu thế phát triển chính phủ

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt của WTO thông qua hai hiệp định chủ yếu là Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Agreement on Technical Barriers to Trade - TBT) và Hiệp định áp dụng các biện pháp vệ sinh động và thực vật (Agreement on Application of Sanitary and Phytosanitary Measures - SPS).

Trong số các khái niệm nêu trong Luật TC&QCKT thì khái niệm "tiêu chuẩn" (standard) và "quy chuẩn kỹ thuật" (technical regulation) là đặc biệt quan trọng và hoàn toàn phù hợp với định nghĩa của Hiệp định TBT, theo đó: “tiêu chuẩn là văn bản quy định về chất lượng và các vấn đề có liên quan với mục đích tự nguyện áp dụng, còn quy chuẩn kỹ thuật với nội dung kỹ thuật có thể như tiêu chuẩn song là bắt buộc áp dụng vì do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới hình thức quy phạm pháp luật đặc thù”.

Trên thế giới hiện nay có ba tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế hàng đầu là ISO, IEC, ITU. Liên quan đến lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ có tiểu ban kỹ thuật ISO/TC 211 là tiểu ban thực hiện tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực thông tin địa lý kỹ thuật số. Việc tiêu chuẩn hóa này nhằm mục đích thiết lập một bộ tiêu chuẩn có cấu trúc cho thông tin liên quan đến các đối tượng hoặc hiện tượng liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến một vị trí trên Trái đất. Các tiêu chuẩn này gồm phương pháp, công cụ và dịch vụ để quản lý dữ liệu. Tiểu ban này xây dựng các tiêu chuẩn về thu thập, xử lý, phân tích, truy cập, trình bày và trao đổi dữ liệu số giữa nhiều người dùng, nhiều hệ thống và nhiều địa điểm khác nhau. 

Thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã nghiên cứu, thực hiện việc chuyển đổi hệ thống quy phạm, quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn ngành sang hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bắt đầu từ năm 2008 theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu hội nhập. Cũng trong giai đoạn này, các bộ, ngành đã công bố một số tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực đo đạc bản đồ chuyên ngành. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, hoạt động chuyển đổi và xây dựng mới tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ còn chưa đáp ứng kịp với nhu cầu thực tiễn, chưa phù hợp với các quy định của Luật Đo đạc và bản đồ 2018 và nhất là đối với các yêu cầu chuyển đổi số quốc gia hiện nay.

Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi cách thức tổ chức, tập hợp nhân lực, dữ liệu và quy trình để tạo ra những giá trị mới. Chúng ta đã qua giai đoạn số hóa (chuyển từ dữ liệu tương tự sang dữ liệu số), và giờ chuyển sang giai đoạn “chuyển đổi số" là giai đoạn sử dụng các công nghệ như AI, Big Data... để phân tích, biến đổi dữ liệu số đang có để tạo ra một giá trị mới, phục vụ các nhu cầu của xã hội.

Nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được nêu trong Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 03 tháng 6 năm 2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong đó lĩnh vực đo đạc và bản đồ có nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; xây dựng bản đồ số quốc gia mở làm nền tảng phát triển các dịch vụ số phát triển kinh tế - xã hội. 

Chuyển đổi số không chỉ là cuộc cách mạng của công nghệ mà còn là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cũng là một phần trong việc xây dựng thể chế để có các tiêu chuẩn sản phẩm mới, mô hình chia sẻ, trao đổi, phân tích dữ liệu mới, góp phần thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.

2. CƠ SỞ LÝ LUẬN, NGUỒN TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Cơ sở lý luận, nguồn tài liệu nghiên cứu

Bài báo này đưa ra các cơ sở lý luận dựa trên trên các tài liệu sau: 

(1) Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006;

(2) Luật Đo đạc và bản đồ số 27/2018/QH14 ngày 25 tháng 6 năm 2018;

(3) Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

(4) Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

(5) Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ;

(6) Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. 

(7) Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. 

Nguồn tài liệu sử dụng để nghiên cứu chính:

(1) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định kỹ thuật còn hiệu lực trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

(2) Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2040.

2.2. Phương pháp nghiên cứu 

Tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:

 - Phương pháp lịch sử và lôgic

 - Phương pháp thu thập, phân tích và tổng hợp; 

 - Phương pháp tổng kết thực tiễn và phương pháp chuyên gia;

 - Phương pháp dự báo dựa trên cơ sở các kết quả phân tích, tổng hợp. 

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Tổng quan về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ

Hệ thống văn bản kỹ thuật về đo đạc và bản đồ Việt Nam đã hình thành và phát triển từ những năm 60 - 70 thế kỷ trước bao gồm các Quy phạm, Quy định kỹ thuật, Quy trình, Tiêu chuẩn ngành... Mỗi văn bản quy định kỹ thuật này thường bao gồm cả chỉ tiêu kỹ thuật, dụng cụ, quy trình phương pháp thực hiện theo từng công nghệ ứng dụng. Những bất cập phát sinh do thay đổi công nghệ, chỉ tiêu kỹ thuật, quy trình sản xuất dẫn đến sự ra đời của rất nhiều quy định kỹ thuật tạm thời. Xét trong một dự án hoặc một phạm vi ứng dụng hẹp, việc ban hành các quy định tạm thời đã giải quyết được những nhu cầu cấp bách của sản xuất nhưng nếu nhìn nhận tổng quan toàn bộ hệ thống cũng cho thấy khá nhiều bất cập. Việc sử dụng hệ thống văn bản có nhiều khó khăn đặc biệt là sự chắp vá của những nội dung bởi các văn bản kỹ thuật thay thế ban hành tạm đã khiến cho hệ thống văn bản vừa cồng kềnh, phức tạp, vừa không phù hợp với xu thế thế giới. Một số văn bản được biên soạn và ban hành đã 40 năm nhưng vẫn đang trong hiệu lực áp dụng do chưa ban hành được hệ thống văn bản kỹ thuật thay thế. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong đo đạc và bản đồ đã khiến cho một số quy định kỹ thuật trong hệ thống văn bản hiện hành đã trở nên không còn phù hợp, không đáp ứng được các công nghệ số và việc chuyển đổi số trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ cũng như phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia.

Thực hiện việc chuyển đổi hệ thống quy phạm, quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn ngành sang hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo yêu cầu của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã nghiên cứu phương pháp chuyển đổi theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế, bắt đầu chuyển đổi từ năm 2008. Hiện nay trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ đã công bố và đã ban hành các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sau:

1. Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực đo đạc và bản đồ

STT

Số quy chuẩn

Tên quy chuẩn

Số quyết định ban hành

Tình trạng

Ghi chú

Mới

Chuyển đổi

1

QCVN 11:2008/BTNMT

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng lưới độ cao.

Số 11/2008/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 12 năm 2008 Ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng lưới độ cao”.

 

x

Chuyển đổi Quy phạm xây dựng lưới độ cao Nhà nước hạng 1, 2, 3 và 4 của Cục Đ&BĐ Nhà nước

2

QCVN 04:2009/BTNMT

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng lưới tọa độ.

Số 06/2009/TT-BTNMT ngày 18 tháng 6 năm 2009 Quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng lưới tọa độ.

x

 

 

3

QCVN 37:2011/BTNMT

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn hóa địa danh phục vụ công tác thành lập bản đồ.

Số 23/2011/TT-BTNMT ngày 06 tháng 7 năm 2011 Quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn hóa địa danh phục vụ công tác thành lập bản đồ.

 

x

 

 

4

QCVN 42:2020/BTNMT

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa lý cơ sở.

Số 06/2020/TT-BTNMT ngày 31 tháng 08 năm 2020 Quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa lý cơ sở.

x

 

 

2. Hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia thuộc lĩnh vực đo đạc và bản đồ

STT

tiêu chuẩn

Tên tiêu chuẩn

Năm công bố

Tình trạng

Ghi chú

Mới

Chuyển đổi

1

TCVN ISO 19108:2018

ISO 19108:2002

Thông tin địa lý - Lược đồ thời gian

2018

x

 

QĐ 3764/QĐ-BKHCN ngày 07 tháng 12 năm 2018

2

TCVN ISO 19109:2018

ISO 19109:2005

Thông tin địa lý - Quy tắc lược đồ ứng dụng

2018

x

 

QĐ 3764/QĐ-BKHCN ngày 07 tháng 12 năm 2018

3

TCVN ISO 19116:2018
ISO 19116:2004

Thông tin địa lý - Các phương tiện định vị

2018

x

 

QĐ 3764/QĐ-BKHCN ngày 07 tháng 12 năm 2018

4

TCVN ISO 19117:2018
ISO 19117:2012

Thông tin địa lý - Mô tả (Hiển thị thông tin địa lý - Trình bày)

2018

x

 

QĐ 3764/QĐ-BKHCN ngày 07 tháng 12 năm 2018

5

TCVN ISO 19126:2018
ISO 19126:2009

Thông tin địa lý - Từ điển khái niệm đối tượng và đăng ký

2018

x

 

QĐ 3764/QĐ-BKHCN ngày 07 tháng 12 năm 2018

6

TCVN ISO 19127:2018
ISO 19127:2005

Thông tin địa lý - Mã và các tham trắc địa

2018

x

 

QĐ 3764/QĐ-BKHCN ngày 07 tháng 12 năm 2018

7

TCVN ISO 19131:2018
ISO 19131:2007

Thông tin địa lý - Yêu cầu kỹ thuật sản phẩm dữ liệu

2018

x

 

QĐ 3764/QĐ-BKHCN ngày 07 tháng 12 năm 2018

8

TCVN ISO 19115 - 2:2019
ISO 19115 - 2:2009

Thông tin địa lý - Siêu dữ liệu - Phần 2. Mở rộng đối với dữ liệu ảnh và lưới

2019

x

 

QĐ 3281/QĐ-BKHCN ngày 06 tháng 11 năm 2019

9

TCVN ISO 19118:2019
ISO 19118:2001

Thông tin địa lý - Mã hóa

2019

x

 

QĐ 3281/QĐ-BKHCN ngày 06 tháng 11 năm 2019

10

TCVN ISO 19120:2019
ISO/TR 19120:2001

Thông tin địa lý - Các tiêu chuẩn chức năng

2019

x

 

QĐ 3281/QĐ-BKHCN ngày 06 tháng 11 năm 2019

11

TCVN 12687:2019

Cơ sở dữ liệu địa lý - Xây dựng siêu dữ liệu

2019

x

 

QĐ 3281/QĐ-BKHCN ngày 06 tháng 11 năm 2019

12

TCVN 12688:2019

Hệ thống không ảnh - Thành lập bình đồ ảnh hàng không

2019

x

 

QĐ 3281/QĐ-BKHCN ngày 06 tháng 11 năm 2019

13

TCVN 12689:2019

Bản đồ địa hình - Biên tập chế in bản đồ địa hình

2019

x

 

QĐ 3281/QĐ-BKHCN ngày 06 tháng 11 năm 2019

 

3. Hiện trạng các văn bản kỹ thuật thuộc lĩnh vực đo đạc và bản đồ cần được chuyển đổi sang hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

STT

Tên văn bản kỹ thuật

Số quyết định ban hành

Tính phù hợp của các quy trình và chỉ tiêu, thông số kỹ thuật so với điều kiện áp dụng hiện tại

Ghi chú

Phù hợp

Không phù hợp

1

Quy phạm xây dựng lưới tam giác hạng I, II, III và IV

Cục ĐĐ&BĐ Nhà nước

 

x

Đề nghị hủy bỏ

2

Quy phạm thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000 - 1:25.000 - phần ngoài trời

24/KHKT ngày 26/3/1977

 

x

QĐ Cục ĐĐ&BĐ Nhà nước

3

Quy phạm hiện chỉnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000 - 1:25.000 - 1:50.000.

112/KT ngày 15/5/1989

 

x

Quyết định, TCN

4

Quy định điều vẽ trong công tác đo vẽ bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5.000

398/KT ngày 03/4/1989

 

x

QĐ Cục ĐĐ&BĐ Nhà nước

5

Quy định biên tập trong sản xuất bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5.000.

10/KT ngày 05/01/1990

 

x

QĐ Cục ĐĐ&BĐ Nhà nước

6

Quy phạm thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000, 1:2.000, 1:5.000 , 1:10.000 và 1:25.000 - phần trong nhà

247/KT ngày 09/8/1990

 

x

QĐ Cục ĐĐ&BĐ Nhà nước, TCN

7

Quy phạm đo vẽ bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000, 1:2.000, 1:5.000 - phần ngoài trời

248/KT ngày 9/8/1990

 

x

Cục ĐĐ&BĐ Nhà nước, TCN

8

Quy định kỹ thuật trong công tác đo vẽ bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5.000 (phần ngoài trời).

167/KT ngày 09/4/1991

 

x

Cục ĐĐ&BĐ Nhà nước

9

Ký hiệu bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000, 1:2.000 và 1:5.000

1125/ĐĐBĐ ngày 19/11/1994

 

x

Tổng cục Địa chính

(Đã thay thế 1 phần bằng TT 19/2019/BTNMT) QĐKT

10

Những yêu cầu cơ bản và qui định kiểm tra, đánh giá chất lượng phim ảnh chụp từ máy bay phục vụ công tác đo vẽ và hiện chỉnh bản đồ

541/QĐ/ĐC ngày 1/9/1995

 

x

Tổng cục Địa chính

11

Quy định kỹ thuật xây dựng lưới cấp 0 Nhà nước CHXHCNVN

1284/ĐĐBĐ ngày 16/9/1995

 

x

Tổng cục Địa chính

(Đề nghị hủy bỏ)

12

Ký hiệu bản đồ địa hình tỷ lệ 1:50.000 và 1:100.000

178/1998/QĐ-ĐC ngày 31/3/1998

 

x

Tổng cục Địa chính

13

Quy phạm thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:50.000

179/1998/QĐ-ĐC ngày 31/3/1998

 

x

Tổng cục Địa chính

14

Quy định cơ sở toán học, độ chính xác nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình đáy biển tỉ lệ 1:10.000

180/1998/QĐ-ĐC ngày 31/3/1998

 

x

Tổng cục Địa chính

15

Quy định kỹ thuật số hóa bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000, 1:50.000 và 1:100.000

70/2000/QĐ-ĐC ngày 25/02/2000

 

x

Tổng cục Địa chính

(Đề nghị hủy bỏ)

16

Quy trình hiện chỉnh bản đồ địa hình bằng ảnh vệ tinh

308/QĐ-TCĐC, ngày 25/7/2002

 

x

Tổng cục Địa chính

17

Quy định kỹ thuật thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000 và 1:50.000 bằng công nghệ ảnh số.

17/2005/QĐ-BTNMT ngày 21/12/2005

 

 

x

Thay thế 1 phần bởi TT xx/2020/TT-BTNMT

18

Quy định kỹ thuật thành lập BĐĐH tỷ lệ 1:2.000 và 1:5.000 bằng công nghệ ảnh số.

17/2005/QĐ-BTNMT ngày 21/12/2005

 

x

Thay thế 1 phần bởi TT 19/2019/TT-BTNMT

19

Quy phạm thành lập và chế in bản đồ địa hình tỷ lệ 1:250.000, 1:500.000 và 1:1.000.000.

09/2006/QĐ-BTNMT ngày 16/8/2006

 

x

 

20

Ký hiệu BĐĐH tỷ lệ 1:250.000, 1:500.000 và 1:1.000.000

11/2006/QĐ-BTNMT ngày 22/8/2006

 

x

 

21

Quy định về đo trọng lực chi tiết

08/2012/TT-BTNMT ngày 08/08/2012

 

 

 

22

Quy định kỹ thuật về cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000

10/2013/TT-BTNMT ngày 28/5/2013

x

 

 

23

Quy định kỹ thuật thành lập mô hình số độ cao bằng công nghệ bay quét LiDAR

39/2014/TT-BTNMT ngày 03/7/2014

x

 

 

24

Quy định kỹ thuật thành lập bản đồ hành chính các cấp

47/2014/TT-BTNMT

x

 

 

25

Quy định kỹ thuật đo đạc trực tiếp địa hình phục vụ thành lập bản đồ địa hình và cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:500, 1:1000, 1:2.000, 1:5.000

68/2015/TT-BTNMT ngày 22/12/2015

x

 

 

26

Quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu địa lý tỷ lệ 1:250.000.

48/2016/TT-BTNMT ngày 28/12/2016

 

x

 

27

Quy định xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính.

46/2017/TT-BTNMT ngày 23/10/2017

x

 

 

28

Quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000.

19/2019/TT-BTNMT ngày 08/11/2019

x

 

 

29

Quy định kỹ thuật về mô hình cấu trúc và nội dung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000.

23/2019/TT-BTNMT ngày 25/12/2019

x

 

 

30

Quy định kỹ thuật xây dựng mạng lưới trọng lực quốc gia.

11/2020/TT-BTNMT ngày 30/9/2020

x

 

 

31

Quy định kỹ thuật về mô hình cấu trúc, nội dung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000.

15/2020/TT-BTNMT ngày 30/11/2020

x

 

 

32

Quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000.

12/2020/TT-BTNMT ngày 30/9/2020

x

 

 

33

Quy định kỹ thuật thu nhận và xử lý dữ liệu ảnh số từ tàu bay không người lái phục vụ xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000.

07/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021

x

 

 

Trên cơ sở các nghiên cứu, tác giả đề xuất hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hệ thống sản phẩm trong Hình 1 và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo công nghệ thu nhận dữ liệu địa lý trong Hình 2.

Hình 1. Đề xuất hệ thống QCVN theo hệ thống sản phẩm Đo đạc và Bản đồ
Hình 2. Đề xuất hệ thống TCVN theo các công nghệ thu nhận dữ liệu địa lý

3.2. Vai trò của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực đo đạc và bản đồ trong quá trình chuyển đổi số quốc gia

Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã có định hướng về chiến lược phát triển ngành và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 với quan điểm "Phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia làm nền tảng quan trọng và cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh'' và mục tiêu đầu tiên là hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ.

Trong giai đoạn hiện nay, với tốc độ đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0 với nền tảng diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin và vật lý với các yếu tố cốt lõi: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), đòi hỏi yêu cầu cao hơn đối với dữ liệu nền địa lý về độ chính xác, độ tin cậy, tính kịp thời cũng như sự đa dạng, linh hoạt trong cung cấp, chia sẻ các loại sản phẩm dữ liệu mới ngoài các sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa và sự hội nhập của các công nghệ thông minh, cùng với các mô hình quản trị hiệu quả dẫn tới xu hướng xây dựng các thành phố thông minh với nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin dựa trên dữ liệu nền địa lý tích hợp với các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau phục vụ kịp thời các dịch vụ của công dân, quản lý tốt việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững các nguồn lực chính là nền tảng của việc xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.

Để đảm bảo mục tiêu đặt ra với mục tiêu trước mắt là đến năm 2030 sẽ hoàn thành việc “Xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương phục vụ xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực. Đảm bảo 100% dữ liệu không gian địa lý kết nối, chia sẻ trên toàn quốc” thì nhiệm vụ quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện đại, hội nhập với quốc tế, để thống nhất áp dụng giữa các các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương mới đảm bảo có khả năng chia sẻ, kết nối dữ liệu. Nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ cần đảm bảo đồng bộ, chính xác thuận lợi cho việc sử dụng chung, cụ thể gồm các nhóm nhiệm vụ sau:

(1) Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo đạc và bản đồ tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

(2) Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dữ liệu không gian địa lý, siêu dữ liệu; các chuẩn phương pháp, chuẩn quy trình, chuẩn dịch vụ.

(3) Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiến trúc hệ thống của hạ tầng dữ liệu không gian địa lý gồm các tiêu chuẩn về kiến trúc mạng, hạ tầng thông tin mạng.

(4) Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ hiển thị, chia sẻ, chuyển đổi, tích hợp, tra cứu và tải dữ liệu không gian địa lý.

3.3. Đề xuất một số giải pháp xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực đo đạc và bản đồ

Việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực đo đạc và bản đồ thực hiện theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sẽ có các loại tiêu chuẩn quốc gia sau:

(1) Tiêu chuẩn cơ bản quy định những đặc tính, yêu cầu áp dụng chung cho một phạm vi rộng hoặc chứa đựng các quy định chung cho lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

(2) Tiêu chuẩn thuật ngữ quy định tên gọi, định nghĩa đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

(3) Tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

(4) Tiêu chuẩn phương pháp thử quy định phương pháp lấy mẫu, phương pháp đo, phương pháp xác định, phương pháp phân tích, phương pháp kiểm tra, phương pháp khảo nghiệm, phương pháp giám định các mức, chỉ tiêu, yêu cầu đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

(5) Tiêu chuẩn ghi nhãn, bao gói quy định các yêu cầu về ghi nhãn, bao gói, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

Theo đó cũng sẽ có các loại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sau:

(1) Quy chuẩn kỹ thuật chung bao gồm các quy định về kỹ thuật và quản lý áp dụng cho lĩnh vực đo đạc và bản đồ hoặc một nhóm sản phẩm đo đạc và bản đồ, dịch vụ đo đạc và bản đồ, quá trình đo đạc và bản đồ.

(2) Quy chuẩn kỹ thuật quá trình quy định yêu cầu kỹ thuật của các bước quy trình công nghệ trong quá trình sản xuất, vận hành, sử dụng, bảo trì sản phẩm đo đạc và bản đồ.

(3) Quy chuẩn kỹ thuật dịch vụ quy định yêu cầu về an toàn, vệ sinh trong dịch vụ đo đạc và bản đồ.

Hiện nay nhân lực có khả năng thực hiện việc nghiên cứu xây dựng và chuyển đổi hệ thống văn bản kỹ thuật đang áp dụng của lĩnh vực sang hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia rất hạn chế. Công việc này mang tính chuyên môn sâu, kỹ thuật cao về chuyên ngành ngoài ra cần nắm vững các quy định về xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nên rất ít người có thể đáp ứng công việc đòi hỏi. Các công chức, viên chức ngành Đo đạc và Bản đồ hiện nay chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu chuyên gia trong việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, do vậy cần có quy định và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện trực tiếp việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định việc tổ chức quản lý xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của lĩnh vực một cách rõ ràng. Cần có chế độ thu hút nhân lực chất lượng cao tham gia xây dựng và chuyển đổi hệ thống văn bản cũ sang hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì việc chuyển đổi mới có thể đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản có liên quan cho các tổ chức, cá nhân hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích của việc tuân thủ quy định của hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Khuyến khích các Tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có liên quan đến các lĩnh vực của Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cơ sở và cùng tham gia với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng và chuyển đổi hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Trong những năm tới, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam nên có định hướng tập trung xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho hệ thống sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản, bên cạnh đó xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia cho các quy trình thành lập sản phẩm tương ứng với các công nghệ lựa chọn, đáp ứng đúng yêu cầu của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. 

4. KẾT LUẬN

Xây dựng hệ thống văn bản kỹ thuật mới đòi hỏi các nghiên cứu cẩn trọng về cơ sở khoa học và thực tiễn đi cùng với yêu cầu kế thừa hệ thống văn bản cũ, không gây xáo trộn khi áp dụng. Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là cơ sở để đánh giá, phân loại đồng thời là động lực thúc đẩy ứng dụng tự động hóa, phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, từ đó huy động sự tham gia rộng rãi từ các nguồn lực của tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đảm bảo đồng bộ, chính xác thuận lợi cho việc sử dụng chung đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý làm nền tảng công nghệ phát triển chính phủ điện tử trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.

 

          Bùi Thị Xuân Hồng - Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam

“Nguồn: Tuyển tập Nghiên cứu ứng dụng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia: Vai trò của công nghệ đo đạc bản đồ hiện đại”