VIỆN KHOA HỌC ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ NGHIỆM THU CẤP CƠ SỞ ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP BỘ. MÃ SỐ : TNMT.2023.02.25

Cập nhật: 02/12/2024

Nghiệm thu cấp cơ sơ đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ và hướng dẫn kỹ thuật thành lập Bản đồ khu vực cung ứng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên dựa trên dữ liệu vệ tinh, dữ liệu địa lý - cảnh quan”.

Ngày 28 tháng 11 năm 2024 cơ quan chủ trì Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở kết quả thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ và hướng dẫn kỹ thuật thành lập Bản đồ khu vực cung ứng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên dựa trên dữ liệu vệ tinh, dữ liệu địa lý - cảnh quan”.

Chủ tịch Hội đồng: TS. Nguyễn Phi Sơn 

Mã số: TNMT.2023.02.25.

Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Thanh Hương

Hội đồng được thành lập theo Quyết định số 292/QĐ-VĐĐBĐ ngày 25/11/2024 của Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ.

Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo của đề tài

Tham gia buổi nghiệm thu có đầy đủ thành viên hội đồng, các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ quản lý khoa học đại diện cho: Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng Sinh hoc; Trường Đại học Mỏ - Địa chất; Học Viện Kỹ thuật Quân sự; Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ …

Mục tiêu của đề tài.

- Xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng bản đồ khu vực cung ứng dịch vụ hệ sinh thái (DVHST) của các hệ sinh thái tự nhiên.

- Xây dựng được công cụ thành lập, cập nhật thay đổi và công bố định kỳ bản đồ các khu vực cung ứng dịch vụ hệ sinh thái ở quy mô cấp tỉnh.

- Đề xuất dự thảo quy định kỹ thuật thành lập, cập nhật thay đổi và công bố định kỳ các khu vực cung ứng dịch vụ hệ sinh thái ở quy mô cấp tỉnh.

Tính mới và sáng tạo của đề tài. 

- Đề tài hướng đến việc xây dựng bộ quy trình, hướng dẫn kỹ thuật đồng bộ, thống nhất trong việc thành lập bản đồ DVHST cấp tỉnh ở Việt Nam. Điều này chưa được thực hiện một cách hệ thống và toàn diện trước đây. 

- Đề tài tập trung nghiên cứu, đánh giá các DVHST đối với các hệ sinh thái tự nhiên trên cạn và dưới nước (trừ rừng) theo đúng các quy định mới tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Đây là hướng tiếp cận mới, phù hợp bối cảnh chính sách. 

 - Đề tài khai thác triệt để việc ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS hiện đại trong thành lập bản đồ DVHST. Dữ liệu đa nguồn gồm ảnh vệ tinh và bản đồ địa lý sẽ được tích hợp, xử lý để trích xuất thông tin hữu ích phục vụ đánh giá và lập bản đồ một cách nhanh chóng, khách quan. 

- Đề tài phát triển các phần mềm mới như ESMS để hỗ trợ quy trình thành lập, cập nhật bản đồ và WebGIS để công bố, chia sẻ thông tin bản đồ DVHST. Đây là điểm mới giúp tự động hoá, thuận tiện cho việc ứng dụng kết quả nghiên cứu trong thực tế. 

- Đề tài thực hiện thử nghiệm thành lập bản đồ DVHST cho tỉnh Ninh Bình - một địa phương có đầy đủ các hệ sinh thái tự nhiên điển hình của Việt Nam. Các bài học kinh nghiệm sẽ được rút ra để hoàn thiện quy trình công nghệ và hướng dẫn kỹ thuật trước khi nhân rộng.

 - Đề tài cũng đề xuất cơ chế cập nhật định kỳ và chia sẻ rộng rãi bản đồ DVHST đến cộng đồng thông qua WebGIS. Đây là giải pháp mới giúp bản đồ luôn đảm bảo tính thời sự và phát huy giá trị ứng dụng trong thực tiễn.

Hội đồng đã đánh giá cao sự cố gắng của nhóm nghiên cứu, đề tài cơ bản đã hoàn thành được các mục tiêu và nội dung đã đề ra. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu cần phải chỉnh sửa, bổ xung, hoàn thiện báo cáo tổng kết phục vụ nghiệm thu cấp Bộ trong thời gian sớm nhất.

Kết quả: 6/7 phiếu đạt loại xuất sắc; 1/7 phiếu đạt loại khá.       

 

 

                                                       (Phòng Khoa học, Đào tạo, Hợp tác quốc tế và Tạp chí)