TRÍ TUỆ NHÂN TẠO, BƯỚC ĐỘT PHÁ CẬP NHẬT DỮ LIỆU NỀN

Cập nhật: 31/01/2024

Hệ thống thông tin địa lý (GIS) ngày càng trở nên quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, khi lượng dữ liệu không gian ngày càng tăng theo cấp số nhân, các phương pháp GIS truyền thống phải đối mặt với những thách thức trong việc xử lý và phân tích các tập dữ liệu lớn như vậy. Những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã phát triển nhanh chóng, đặc biệt sự kết hợp giữa AI và GIS (GeoAI) đang mở ra những khả năng to lớn, nâng cao năng suất và chất lượng công việc, đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của người dùng, đem lại những ứng dụng đáng kinh ngạc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo Ths Nguyễn Văn Thảo - Hội trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam, định hướng GeoAI là sự lựa chọn phù hợp cho lĩnh vực điều tra cơ bản và cung cấp dữ liệu nền tảng như lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ. Việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống hỗ trợ tự động hóa cập nhật CSDL nền địa lý là hướng đi cần thiết và mang tính thời sự cao đối với Việt Nam, đặc biệt là với các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ thành lập, cập nhật CSDL nền địa lý quốc gia tỉ lệ lớn trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó, AI đang làm thay đổi việc phân tích dữ liệu không gian bằng cách cung cấp các công cụ và kỹ thuật tiên tiến để xử lý và phân tích một lượng lớn dữ liệu không gian, bao gồm thông tin về bề mặt Trái đất, như: ảnh viễn thám, ảnh hàng không và dữ liệu của GIS. Các thuật toán AI và kỹ thuật thị giác máy tính được sử dụng để phát hiện và trích xuất những đối tượng có ý nghĩa từ dữ liệu không gian. Những kỹ thuật này cho phép xử lý dữ liệu tự động, nhận dạng mẫu và phân tích nâng cao, cải thiện đáng kể hiệu quả và độ chính xác của việc phân tích dữ liệu không gian.

Hệ thống thông tin địa lý được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội

Đặc biệt, việc sử dụng AI trong GIS là một hướng phát triển mới trong Cuộc cách mạng 4.0 mang lại các hiệu quả thiết thực, to lớn trong khoa học địa lý để nâng cao hiệu quả xử lý, phân tích dữ liệu và đưa ra các quyết định một cách nhanh chóng, chính xác, mang lại lợi ích bền vững cho các tổ chức thương mại và Chính phủ để thúc đẩy công cuộc đổi mới và duy trì sự phát triển bền vững của thế giới.

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, việc sử dụng công nghệ tích hợp dữ liệu hệ thống thông tin địa lý, viễn thám, hệ thống định vị toàn cầu cho phép tạo nên một giải pháp cập nhật, xây dựng dữ liệu, phân tích biến động hiệu quả và hỗ trợ ra quyết định nhanh, trên phạm vi rộng với giá thành rẻ nhất so với biện pháp truyền thống trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên môi trường.

2.png

Sự kết hợp giữa AI và thông tin địa lý (GeoAI) đang mở ra những khả năng to lớn. Nắm bắt cơ hội đó, thời gian qua, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã nghiên cứu, phát triển các ứng dụng mới, sản phẩm mới trong lĩnh vực đo đạc bản đồ. TS Nguyễn Thanh Thủy - Trưởng phòng Khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế và tạp chí, Viện Khoa học đo đạc và bản đồ cho biết, thông qua các đề tài khoa học, các chuyên gia, các nhà khoa học xác lập được những lí luận thực tiễn, là cơ sở để khoa học công nghệ ngành Đo đạc và Bản đồ có những bước đi đúng đắn đảm bảo phù hợp với sự phát triển chung của GeoAI trên thế giới gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

ieu-tra-co-ban-dia-chat-voi-cac-che-dinh-phap-ly-nham-quan-ly-chat-che-day-du-cac-moi-quan-he-lien-quan-cong-tac-nay-xuye-1-(1).png

Ở Việt Nam, Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 27/3/2023. Chiến lược đã đề cập tới việc lựa chọn ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ lõi như: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn trong thu nhận, cập nhật, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia - đây chính là định hướng quan trọng để phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia làm nền tảng quan trọng và cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh. Chính vì vậy, việc nghiên cứu việc sử dụng AI trong GIS tại Việt Nam là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu được các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu và đẩy mạnh triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trước mắt, TS. Nguyễn Thanh Thủy cho rằng, ưu tiên hàng đầu là việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành đo đạc bản đồ để tiếp cận công nghệ cao trên thế giới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân cần phải đổi mới công nghệ, đầu tư nguồn lực để bắt kịp với xu hướng... Để làm được điều này cần kết hợp hiệu quả nhanh, gọn giữa "ba nhà": Khoa học công nghệ - Nhà nước - Doanh nghiệp".

 

                 (Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn)