CHIA SẺ DỮ LIỆU KHÔNG GIAN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Cập nhật: 02/04/2024

Công nghệ địa không gian với sự kết hợp các kỹ thuật tiên tiến đang góp phần quan trọng trong việc phục vụ giải quyết các vấn đề có tính liên ngành và công tác quản lý lãnh thổ, quản lý tài nguyên.

Nhấn mạnh sự vận động của tự nhiên đang làm thay đổi các hiện tượng địa lý một cách thường xuyên và liên tục, giới chuyên gia cho rằng thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục chú trọng đầu tư, ứng dụng "công nghệ mới trong thu nhận, xử lý, cập nhật và chia sẻ dữ liệu địa không gian" để phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, cũng như khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả hơn.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Phi Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ về vai trò của dữ liệu địa không gian cũng như một số nhiệm vụ và giải pháp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong thu nhận, xử lý, cập nhật dữ liệu địa không gian trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Phi Sơn: Dữ liệu không gian địa lý đóng một vai trò rất quan trọng trong tất cả các nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong thời đại 4.0. Với việc phát triển các chương trình số hóa, dữ liệu địa không gian là dữ liệu đầu vào cho các lĩnh vực, các ngành, các cấp trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Cơ sở dữ liệu (CSDL) nền địa lý quốc gia gồm 7 gói dữ liệu cơ bản (Dữ liệu địa hình, dữ liệu thủy văn, dữ liệu giao thông, dữ liệu lớp phủ thực vật, dữ liệu dân cư, dữ liệu về địa giới hành chính, dữ liệu cơ sở đo đạc) với đặc tính dãy tỉ lệ lớn, có mức độ chi tiết cao về không gian, kèm theo các thuộc tính của đối tượng được thu nhận ở mức độ tối đa đã đảm bảo yêu cầu tối đa khai thác thông tin của nhiều bộ, ngành góp phần quan trọng trong hoạt động quản lý, thiết kế, thi công của các ngành khảo sát, thành lập các bản đồ chuyên đề, chuyên ngành của các lĩnh vực. Cùng với đó, tùy theo quy mô lãnh thổ và tỉ lệ của CSDL nền địa lý quốc gia mà các địa phương ứng dụng CSDL nền địa lý quốc gia trong quản lý lãnh thổ, quản lý hành chính, quản lý xã hội.

Cập nhật cơ sở dữ liệu bản đồ là yêu cầu cấp bách

Không những thế, thông tin không gian địa lý cũng đóng vai trò quan trọng đối với quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Dữ liệu nền địa lý làm cơ sở để hỗ trợ công tác đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, hiện trạng môi trường các cấp, quản lý các hệ sinh thái, bảo tồn và phát triển bền vững cảnh quan tự nhiên; hỗ trợ xác lập các trạng thái khí hậu, khí tượng, các quá trình thời tiết trong không gian và vùng lãnh thổ. Có dữ liệu địa lý sẽ giúp cho việc xác định phạm vi tác động ở từng địa phương, vùng lãnh thổ do biến đổi khí hậu, phạm vi nước biển dâng, đánh giá rủi ro thiên tai, tính dễ bị tổn thương của các hệ thống sinh thái... và còn có vai trò trong nhiều ứng dụng của 9 lĩnh vực trong ngành TN&MT.

Ông Nguyễn Phi Sơn: Ở nước ta, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã sớm nhận thấy tầm quan trọng và những lợi ích to lớn từ dữ liệu không gian địa lý mang lại. Nhiều năm qua, các bộ, ngành nói chung và ngành TN&MT nói riêng đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống dữ liệu không gian địa lý phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh.

Giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012, Chính phủ đã quan tâm đầu tư cho ngành đo đạc và bản đồ, trong đó có 2 dự án Chính phủ "Thành lập CSDL nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1:10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước" và "Thành lập CSDL nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm". Đến nay, dữ liệu phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia hiện có bộ dữ liệu khung và dữ liệu chuyên ngành.

pham-vi-dieu-chinh-cua-luat-dia-chat-va-khoang-san-da-bo-sung-hoat-dong-dieu-tra-co-ban-dia-chat-voi-cac-che-dinh-phap-ly-nham-quan-ly-chat-che-day-du-cac-moi-quan-he-lien-quan-cong-tac-nay-xuye.png

Các thông tin, dữ liệu về đo đạc bản đồ cơ bản, bao gồm hệ thống các điểm gốc đo đạc quốc gia, các mạng lưới đo đạc quốc gia, nền địa lý quốc gia, các loại bản đồ địa hình, biên giới, hành chính quốc gia, ảnh hàng không, dữ liệu ảnh viễn thám, dữ liệu địa danh được xây dựng đầy đủ theo tiêu chuẩn dữ liệu thống nhất.

Bên cạnh đó, nhiều bộ dữ liệu chuyên ngành đã được các lĩnh vực tạo ra như: dữ liệu đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên biển, tài nguyên rừng, địa chất khoáng sản, khí tượng thuỷ văn ... đều là số liệu điều tra cơ bản gắn với thông tin vị trí sẽ tạo thành dữ liệu địa không gian hoàn chỉnh, từ đó giúp cho các cơ quan quản lý ra quyết định đúng đắn, kịp thời và đầy đủ.

Trong số các trị đo cơ bản của lĩnh vực trắc địa bản đồ, thì trị đo "gia tốc trọng trường" hay được gọi là "trọng lực" là trị đo đòi hỏi phương tiện và phương pháp đo phức tạp. Thời gian qua, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã triển khai thực hiện thành công các dự án đo trọng lực như: "Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống trọng lực Nhà nước"; Xây dựng mạng lưới điểm trọng lực tuyệt đối trên các đảo và ven bờ biển Việt Nam phục vụ công tác quan trắc độ dâng của mực nước biển trung bình; "Đo trọng lực cơ sở và vệ tinh của điểm trọng lực cơ sở giai đoạn 2016 - 2018 trong hệ thống trọng lực quốc gia phục vụ xác định sự thay đổi của trường trọng lực trên lãnh thổ Việt Nam".

Hiện nay, Viện đang tham gia thực hiện dự án bay đo trọng lực chi tiết vùng núi bằng phương pháp trọng lực hàng không... Đây là nhiệm vụ quan trọng của công tác điều tra cơ bản ở nước ta song song với các dự án điều tra cơ bản khác. Các dự án trọng lực góp phần vào việc hoàn thiện các số liệu cơ bản của quốc gia mà các số liệu này sẽ phục vụ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều mục đích... Kết quả của những dự án đo trọng lực đã được Viện khoa học Đo đạc và Bản đồ thực hiện phục vụ đắc lực cho các lĩnh vực nghiên cứu về khoa học Trái đất.

Ông Nguyễn Phi Sơn: Quá trình phát triển kinh tế - xã hội và sự vận động của tự nhiên làm thay đổi các đối tượng, hiện tượng địa lý một cách thường xuyên và liên tục. Điều này dẫn đến CSDL nền địa lý quốc gia không kịp cập nhật sẽ bị lạc hậu theo thời gian. Để có một bộ dữ liệu nền tảng được cập nhật kịp thời, thống nhất, đồng bộ trên cả nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao dân trí, thì các giải pháp trong thành lập, cập nhật biến động đã từng bước tiến tới tự động hóa trong quy trình sản xuất nhằm thay thế phương pháp truyền thống trước kia.

Thời gian qua, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ mới, công nghệ hiện đại trong thu nhận, xử lý, cập nhật và chia sẻ dữ liệu địa không gian như việc kết hợp dữ liệu đa nguồn gốc, áp dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng, thu nhận, xử lý, trích xuất dữ liệu sử dụng công nghệ AI và hệ thống thông tin địa lý tình nguyện (VGI)... Các công nghệ này giúp tăng tốc độ, độ chính xác, độ tin cậy và giảm chi phí cho cập nhật.

Thời gian tới, trước sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ hiện đại trong thu nhận dữ liệu, Viện cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, chú trọng đầu tư, nâng cấp công nghệ mới trong chia sẻ dữ liệu địa không gian. Cùng với đó, Viện sẽ tiếp tục hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu trình độ cao trong một số hướng nghiên cứu phức tạp và mang tính định hướng công nghệ cho ngành; tăng cường liên kết nghiên cứu giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nghiên cứu, các trường, các doanh nghiệp và các chuyên gia độc lập trong nghiên cứu khoa học để nghiên cứu, phát triển công nghệ trên thế giới và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.


                    (Nguồn:  https://baotainguyenmoitruong.vn)