NỖ LỰC ĐƯA LUẬT ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ ĐI VÀO CUỘC SỐNG

Cập nhật: 10/11/2021

Luật Đo đạc và bản đồ được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Qua gần 3 năm triển khai thực hiện thi hành Luật đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ, đáp ứng các yêu cầu được kỳ vọng trong việc ứng dụng các thành tựu vĩ đại của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật

Theo ông Phan Ngọc Mai, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, triển khai thi hành Luật Đo đạc và bản đồ, 3 năm qua khối lượng các văn bản quy phạm pháp luật cần xây dựng là rất lớn. Cục Đo đạc, bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã hoàn việc xây dựng đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 23 văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ, trong đó có 3 Nghị định của Chính phủ, 20 Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng.

Bên cạnh đó, Cục đã tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo phù hợp với Luật Đo đạc và bản đồ.

                               Phú Yên tổ chức Hội nghị triển khai Luật Đo đạc và bản đồ và các văn bản quy định chi tiết Luật

Ngày 6/5/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo phù hợp với Luật Đo đạc và bản đồ. Đồng thời, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan rà soát, sửa đổi, xây dựng đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo trách nhiệm được giao tại Luật Đo đạc và bản đồ làm căn cứ pháp lý triển khai thực hiện, đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về đo đạc và bản đồ.

Nâng cao nhận thức về đo đạc và bản đồ ở địa phương

Để Luật Đo đạc và bản đồ được thực thi có hiệu lực, hiệu quả, thời gian qua, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã chủ động, phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như Bình Định, Đồng Nai, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Phú Yên tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Đo đạc và bản đồ và các văn bản quy định chi tiết Luật. Đồng thời, Cục cũng đã đăng tải các bài viết nghiên cứu, tuyên truyền về Dự án Luật Đo đạc và bản đồ, các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đo đạc và bản đồ còn được thực hiện thông qua các cuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đo đạc và bản đồ tới các tổ chức hoạt động về đo đạc và bản đồ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiếp tục xây dựng hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia (số liệu của mạng lưới tọa độ quốc gia, mạng lưới độ cao quốc gia, mạng lưới trọng lực quốc gia, mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia) phục vụ công bố sử dụng thống nhất trong toàn quốc.

Bộ cũng tăng cường triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia hiện đại, đồng bộ, thống nhất trong cả nước trên đất liền, vùng biển và hải đảo Việt Nam theo Đề án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 9/1/2020; xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia, thành lập bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia, địa giới hành chính; xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam.

Đồng thời, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành theo quy định của Luật Đo đạc và bản đồ và pháp luật chuyên ngành có liên quan. Việc triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ đã góp phần cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đầy đủ, chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao dân trí.

                                                                     Nguồn: https://monre.gov.vn